Không ít phụ huynh gặp khó khăn khi hướng dẫn con cách xưng hô. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, việc xưng hô mẹ - con, hay cha - con còn là văn hóa giao tiếp trong gia đình.
Cách xưng hô trong gia đình đóng một vai trò quan trọng kết nối các thành viên. Mỗi cha mẹ lại có cách xưng hô riêng để biểu đạt yêu thương dành cho các con. Tuy nhiên, không ít cha mẹ thường khiến con trẻ tổn thương mà không hề hay biết bởi cách xưng hô của mình.
Kiên nhẫn giải thích cho trẻ
Kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển của trẻ ở hiện tại và cả tương lai. Giao tiếp tốt không chỉ giúp trẻ có thể cởi mở, hòa đồng và được nhiều người yêu mến, mà còn giúp bé nâng cao khả năng tư duy và thích ứng với nhiều môi trường khác nhau. Trong đó, kỹ năng xưng hô cũng là yếu tố quan trọng mà phụ huynh cần chú trọng dạy trẻ.
Xưng hô được coi là cách thể hiện văn hóa giao tiếp. Vì thế, ngay từ nhỏ, trẻ phải được thầy cô, cha mẹ giúp xác định đúng mối quan hệ để có cách xưng hô phù hợp. Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú. Do đó, cha mẹ và thầy cô cần giúp trẻ xác định rõ nghĩa của câu, từ.
Trẻ cũng cần hiểu rằng, các từ được sử dụng trong những trường hợp nào là hợp lý và lịch sự. Như vậy, trẻ có thể phát huy ý nghĩa của câu, từ một cách tối ưu nhất. Song, thực tế, không phải phụ huynh nào cũng chú trọng tới cách xưng hô của trẻ. Thậm chí, trong một số trường hợp, trẻ có thể dùng lối xưng hô không phù hợp, dù chỉ là cách nói cho... vui với bạn bè.
Anh Dương Nghĩa Toàn (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, một lần, anh ngỡ ngàng khi thấy con trai học lớp 7 của mình gọi bạn là… “bố”. Khi thấy phụ huynh thắc mắc, cậu bé kể, ở lớp, các bạn thường gọi đùa nhau là ông/bà, bố/mẹ…
“Khi nghe thấy con kể như vậy, vợ chồng tôi khá… giật mình. Bởi, thực tế, nếu không hiểu rõ, thì mọi người có thể hiểu lầm tai hại khi nghe thấy lời xưng hô của các cháu. Tôi cho rằng, thói quen xấu trong cách xưng hô của trẻ cần được uốn nắn kịp thời”, nam phụ huynh chia sẻ.
Trong khi đó, một số phụ huynh có xu hướng “mặc kệ” khi thấy con có cách xưng hô chưa phù hợp. Song, thực tế, lối xưng hô không phù hợp có thể sẽ đi theo trẻ cho tới sau này. Đối với những trẻ chưa có cách xưng hô phù hợp, nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh và thầy cô cần có sự kiên trì để giúp trẻ hiểu xưng hô như thế là không nên. Còn với những trẻ mới “học” cách xưng hô chưa phù hợp, phụ huynh cần nhanh chóng chặn đứng thói quen ấy.
Việc phụ huynh có cách giao tiếp từ từ, bình tĩnh, nhẹ nhàng và tôn trọng sẽ khiến con được trấn an. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, không ít phụ huynh “đau đầu” khi hướng dẫn con cách xưng hô. Một tài khoản mạng chia sẻ: “Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt thật là phức tạp. Mình có tình huống này muốn tư vấn các mẹ. Chả là, mình luôn dạy con trai phải chào hỏi khi gặp người lớn. Việc chào ông, chào bà, chào bác hay cô, chú, anh, chị thì có vẻ như không có gì là khó lắm.
Tuy chỉ có việc chào cụ (bà ngoại của chồng mình) là trở nên phức tạp. Con trai cứ đến nhà cụ là chào: ‘Chào bà cụ!’. Con phân biệt rất rõ ràng giữa “ông” và “bà” nên cứ gặp ai già hơn ông, bà là bé chào: ‘Chào bà cụ! Chào ông cụ!’. Rất nhiều lần mình sửa cho con: ‘Con chỉ cần nói: Cháu chào cụ ạ!’, nhưng dường như lời của mình không có ý nghĩa với bé”.
Cũng theo phụ huynh này, trong những tình huống như vậy, người lớn thường không trách trẻ. Tuy nhiên, chị vẫn lăn tăn không biết nên giải thích như thế nào với con mình. “Mỗi lần xuống cụ, con vẫn chào: ‘Chào bà cụ’ và vẫn gọi ‘Bà cụ ơi’ hoặc mách mẹ ‘Bà cụ ăn kẹo của con’. Rõ ràng cụ không thích nghe như vậy. Mình nghĩ con thắc mắc tại sao có “ông” (đối với người đàn ông lớn tuổi) và “bà” (đối với người đàn bà lớn tuổi) mà lại chỉ có “cụ” đối với cả hai giới này”, tài khoản này cho biết.
Dưới phần bình luận, phần lớn ý kiến cho rằng, đôi khi, thật khó có thể giải thích cho người lớn (ví dụ người nước ngoài học tiếng Việt) về các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt. Vì vậy, giải thích cho trẻ về vấn đề này càng khó.
Một tài khoản mạng cho rằng, trong trường hợp này, phụ huynh nên kiếm vài bức ảnh, của bà, ông và cụ (cụ ông, cụ bà), sau đó chơi đố với bé. Vì bé đã phân biệt được ông, bà, người già, người trẻ nên cha mẹ có thể hỏi bé: Đố con đây là ai? Sau khi bé trả lời được bà, ông, thì đưa ảnh cụ già hơn ra và hỏi bé xem ai già hơn. Khi bé chỉ đúng thì cha mẹ hỏi xem người già hơn nên gọi là gì? Bé sẽ không trả lời được. Lúc đó, phụ huynh có thể giải thích cho bé, người già hơn gọi là cụ. Đồng thời, lấy ví dụ về việc như cụ ở nhà mình thì con phải gọi thế nào.
Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể nói thêm rằng, nếu con gọi là “cụ” thay vì “bà cụ” thì cụ sẽ vui hơn vì bé gọi đúng. Trái lại, nếu con gọi “bà cụ” thì sẽ làm cụ buồn. Sau mỗi lần gợi ý, nếu con trả lời đúng, cha mẹ cần khen ngợi để bé vui và tiếp tục phát huy.
Một số trẻ có cách xưng hô chưa phù hợp. Ảnh minh họa.
Cách xưng hô giữa cha mẹ và con
Bên cạnh đó, vấn đề cha mẹ xưng hô với trẻ cũng là điều quan trọng. Thực tế, không ít phụ huynh có thói quen gọi trẻ là “nó”.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thu Hà (Hà Chũn) - tác giả sách: “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”, “Cẩm nang chăm sóc bé sơ sinh” (sách ảnh) và “Kỉ luật bàn ăn - Dinh dưỡng cân bằng, để ăn rong chỉ là dĩ vãng”, cho biết: “Mặc dù mình nói chuyện với các vị phụ huynh là chính, nhưng chủ đề muôn thuở luôn là về những em bé chưa hoặc đang lắp bắp ghép từng âm tiết và nói lên lời… 99% các câu chuyện ấy đều là những điệp khúc tương đối không vui, nhiều buồn bực, đậm lo âu và với mình một người sống tương đối cảm tính thì điều mà mình nhận thấy là các mẹ rất hay gọi con - dù nhỏ, dù lớn - là ‘nó’”.
Chị Thu Hà cho biết thường gọi bạn bè đồng lứa là “nó”, hoặc sự vật hiện tượng. Tuy nhiên, thực tế, chị có thói quen gọi những em bé của mình với cái tên thân thương hoặc là “con”. Nữ nhà văn cho rằng, cách gọi này nhắc người lớn về sự tôn trọng một cá thể nhỏ bé. Song, quan trọng hơn có lẽ là cách gọi đó tạo một thông điệp tích cực rằng, con không phải là một rắc rối và là người mang đến niềm vui.
“Trong những thời khắc đầu tiên của làm mẹ ấy, dù con chỉ bé bỏng oe oe chưa biết nhiều – chưa nghe nhiều – chưa hiểu gì, nhưng nếu mẹ có cách giao tiếp thật từ từ – bình tĩnh – nhẹ nhàng và tôn trọng thì chính điều đó đã làm con được trấn an. Thay vì “đây đây đây 10001x đây… sữa của con đây” bắn như liên thanh trước một em bé đang gằn gào, thay vì quát chồng “quay sát vào cái mồm nó ấy”, thay vì “em cứ đặt là nó gào mồm lên”, các mẹ cứ thử thay đổi cách nhìn nhận, nhịp giao tiếp xem. Cách thức khác sẽ cho kết quả khác”, chị Thu Hà chia sẻ.
Có thể việc nói chậm lại, hay dịu dàng hơn có thể tức thì không làm trẻ ngừng khóc, nhưng chính phụ huynh sẽ bớt rối bời. Chị Thu Hà cho biết không bao giờ quên nhắc nhở các mẹ về những chi tiết vụn vặt như vậy.
Thực tế, hiện nay, nhiều gia đình trao quyền cho con được tự chọn cách xưng hô với các thành viên trong nhà. Một trường hợp xưng hô điển hình theo cách này là bé Bôm - con trai của diễn viên Quốc Tuấn. Trong nhiều chương trình, các phụ huynh không khỏi ấn tượng bởi cách xưng hô giữa hai bố con. Bôm thoải mái gọi bố Tuấn là “anh” mọi lúc mọi nơi, còn diễn viên Quốc Tuấn thì gọi con trai là “đại ca” của mình.
Nói về cách xưng hô dễ thương con trai gọi mình, diễn viên Quốc Tuấn chia sẻ, đây là cách gọi thường ngày đầy thoải mái của hai bố con. Ở nhà, Bôm toàn gọi bố là anh, kiểu: “Anh Tuấn ơi em xong rồi”, “Bây giờ làm gì nữa hả anh?”… Còn cái tên Bôm là do con tự chọn. Khi sinh ra vợ anh đặt tên là Tôm - tôm tép nhưng khi mọi người hỏi tên, con đọc luôn là Bôm.
Có lẽ, nhờ cách xưng hô đặc biệt ấy mà diễn viên Quốc Tuấn và Bôm dễ tâm sự và thấu hiểu nhau hơn. Bôm cũng bày tỏ nhiều điều về bản thân cũng như mơ ước của mình với bố. Nhờ có những cuộc trò chuyện như vậy mà không khí gia đình luôn vui vẻ dù đã phải trải qua nhiều biến cố.
Vân Huyền