Trong nỗ lực chống lại một số nhà sản xuất video cố tình làm hỏng và phá hủy iPhone cùng các thiết bị khác với mục đích câu view, Apple đã mời một số YouTuber nổi tiếng cùng nhiều công ty nghiên cứu trong ngành đến tham quan một trong những cơ sở thử nghiệm của mình.
Counterpoint Research là một trong những tổ chức được mời tham dự chuyến tham quan ở các cơ sở mà Apple sử dụng để thử nghiệm tái tạo những kịch bản tồi tệ nhất, bao gồm yếu tố môi trường, chất lỏng hoặc nước và thử nghiệm thả rơi.
Sau chuyến tham quan này, Counterpoint Research nhận định Táo khuyết hoàn toàn có thể thiết kế sản phẩm với độ bền tốt hơn, nhưng Apple cùng các công ty cạnh tranh phải cân bằng giữa khả năng bảo vệ với trọng lượng, chi phí vật liệu và nhiều yếu tố khác.
Thách thức và sự cải tiến
"Chúng tôi đã chứng kiến các thử nghiệm tiếp xúc muối và thiết bị vẫn hoạt động trong ít nhất 100 giờ. Một thử nghiệm khác là tiếp xúc với cường độ ánh sáng cao và tiếp xúc với bụi từ sa mạc Arizona để phân tích điều gì xảy ra khi các hạt cát mịn lọt vào loa của iPhone hoặc cổng sạc", Counterpoint Research mô tả trong bài đăng trên blog.
Một robot để thử nghiệm việc lắp và tháo dây sac trên cổng USB type C nhiều lần. Ảnh: Jonathan Bell.
Bên cạnh iPhone, một số thử nghiệm của Apple tại cơ sở này cũng bao gồm AirPods liên quan đến việc tạo ra các kiểu mồ hôi và ráy tai nhân tạo.
Vô tình đánh rơi thiết bị là một trong 3 lý do hàng đầu khiến smartphone cần sửa chữa. Vì thế, bảo vệ thiết bị di động bằng ốp lưng là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ cả mặt sau và mặt kính trước, vì hầu hết ốp lưng đều có một "gờ" giúp ngăn mặt kính trước bị va chạm trực tiếp khi rơi.
Để tinh chỉnh thêm các quy trình thử nghiệm, theo Apple, hãng đã phát triển một robot "thả thiết bị ở các góc độ khác nhau và thậm chí trên các bề mặt khác nhau, bao gồm hạt, đá granit và ván nhựa đường". Ngoài ra, công ty cũng cho các sản phẩm của mình trải qua thử nghiệm rung động, và kết quả của toàn bộ thử nghiệm đều được các kỹ sư Apple nghiên cứu.
Năm 2023, Consumer Intelligence Research Partners (CIRP) đã thực hiện một nghiên cứu về "khả năng sống sót" của cả thiết bị iPhone và Android. Theo thời gian, khoảng 60% cả hai nhóm chủ sở hữu báo cáo sản phẩm của họ hoạt động bình thường không có vấn đề gì.
21% khác báo cáo thiết bị có một số vết xước, nhưng vẫn có thể sử dụng được. 13% báo cáo có vết nứt trên kính nhưng vẫn có thể sử dụng, trong khi chỉ 6% cho rằng thiết bị của mình bị hư hại nặng đến mức không thể sử dụng được.
Counterpoint Research cũng nhận thấy rằng Apple đang "nỗ lực rất nhiều đằng sau hậu trường" để cải thiện độ bền của iPhone và các sản phẩm khác.
"Kết quả cuối cùng là iPhone giữ được giá trị cao hơn 40% so với các thiết bị Android trên tân trang smartphone. Và khi điều này kết hợp với ít nhất 5 năm nâng cấp phần mềm và bảo mật, nó dẫn đến việc các sản phẩm của Apple có thể bước vào vòng đời thứ hai, hoặc thậm chí thứ 3 một cách khá dễ dàng", Counterpoint Research nhận định.
Tầm quan trọng của độ bền
Không chỉ iPhone, các sản phẩm phần cứng khác của Apple cũng được Counterpoint nhận xét là sở hữu hiệu suất và độ bền tương tự. Hãng nghiên cứu cũng cho biết đây là một trong những lý do khiến iPhone chiếm hơn 56% thị phần trên smartphone tân trang toàn cầu.
Trong báo cáo của mình, Counterpoint cho biết rất thú vị khi biết rằng các yếu tố độ bền và khả năng sửa chữa đôi khi có thể hoạt động ngược chiều nhau. Các sản phẩm có độ bền cao có thể không nhất thiết dễ sửa chữa, trong khi các thiết bị dễ sửa chữa vẫn có thể kém bền hơn.
Một chiếc iMac của Apple trải qua quá trình thử nghiệm chuyển động xoay nhiều lần. Ảnh: Jonathan Bell.
"Quy mô thử nghiệm khổng lồ, với ít nhất 10.000 chiếc iPhone được thí nghiệm nghiêm ngặt trước khi ra mắt, nói lên rất nhiều về chiều sâu và phạm vi nỗ lực đảm bảo chất lượng của Apple", Counterpoint ghi nhận.
Trước khi ra mắt công chúng, thiết bị Apple trải qua nhiều giai đoạn phát triển, kiểm tra chất lượng. Một số bước quan trọng như thử nghiệm độ bền, khả năng chống nước, phần cứng và nhiều quy trình khác.
Mỗi giai đoạn có quy trình kiểm tra khác nhau. Dù vậy, tất cả tuân theo mô hình thống nhất, đảm bảo sản phẩm không gặp lỗi khi đến tay người dùng.
Sau khi quyết định thiết kế, các thông tin như tài liệu, bản vẽ sơ đồ và kích thước được gửi đến nhà cung ứng. Chúng được kiểm tra nhiều lần để đảm bảo linh kiện gắn khớp với nhau, chuẩn bị giai đoạn thử nghiệm độ bền (thả rơi, chống nước...).
Tại các khu vực chuyên biệt trong nhà máy, môi trường thử nghiệm thả rơi gồm camera chuyển động chậm và robot. Để hiệu chỉnh thiết bị, các kỹ sư đôi khi sử dụng miếng nhựa có kích thước tương đương thiết kế mẫu.
Trong giai đoạn này, mô hình iPhone được sản xuất với tên Drop1, gồm các thành phần quan trọng như vỏ, mặt lưng kính. Một số thiết bị thử nghiệm có nhiều màu trong trường hợp thay đổi màu sắc, chất liệu vỏ.
Thiết bị chuyên dụng để thử nghiệm khả năng chống nước của iPhone. Ảnh: @MKBHD/X.
Linh kiện trong mô hình Drop1 như pin, camera và mặt lưng là giả, làm bằng kim loại. Trong giai đoạn thử nghiệm, chúng được thả rơi ở độ cao và các góc cụ thể, ghi nhận và phân tích kết quả.
Các thử nghiệm khác gồm thả mô hình vào ống nhựa có vật cản kim loại, ngâm chất lỏng để kiểm tra khả năng chống nước. Sau khi hoàn thành thử nghiệm, mô hình được chụp ảnh để phân tích hư hỏng. Các thiệt hại nặng về cấu trúc hoặc mạ PVD được ghi nhận và gửi đến bộ phận liên quan.
Thông tin trong giai đoạn này dùng để chỉnh sửa, cập nhật lên mô hình tiếp theo mang tên Drop2, sau đó trải qua quy trình thử nghiệm tương tự.
Nhìn chung, những nỗ lực thầm lặng của Apple trong việc kiểm tra và cải thiện độ bền sản phẩm đang mang lại những lợi ích rõ ràng, không chỉ cho người dùng mà còn cho chính giá trị thương hiệu của hãng trên thị trường toàn cầu. Điều này cũng đặt ra một tiêu chuẩn mới cho các nhà sản xuất khác trong ngành công nghiệp smartphone.
Anh Tuấn