Cần bình tĩnh ứng xử khi xảy ra va chạm giao thông. Tranh minh họa: Lê Duy
Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) không chỉ phê phán hành vi “côn đồ” mà còn đề xuất giải pháp đẩy lùi các hành vi tiêu cực trong ứng xử.
Đừng biến mâu thuẫn nhỏ thành hậu quả lớn
Vụ cháy quán cà phê số 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội) đêm 18-12, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân đã tước đi sinh mạng của 11 người vô tội, 4 người bị thương. Tại cơ quan công an, nghi can Cao Văn Hùng (sinh năm 1973, trú huyện Đông Anh, Hà Nội) khai nhận do mâu thuẫn với 7 người trong quán cà phê nên đã mua xăng ra tay phóng hỏa đốt quán.
“Theo lời khai của nghi can với công an, nguyên nhân xuất phát từ việc đối tượng bị một nhóm thanh niên tác động vật lý nên đã mua xăng đốt quán để “trả đũa”. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà dẫn đến cái chết thương tâm cho nhiều người, thậm chí liên lụy người vô tội. Đây là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, phải thật bình tĩnh giải quyết vấn đề, đừng vì phút nóng vội mà làm mọi chuyện trở nên tồi tệ” - chị Nguyễn Nam Anh (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.
Trước đó, tối 15-12, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một tài xế ô tô đấm liên tục vào mặt người đàn ông đi xe máy trên đường Cống Quỳnh, đoạn gần Bệnh viện Từ Dũ (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Xem clip tài xế đánh người rất hung bạo, ai cũng bức xúc, phẫn nộ.
Tài xế đánh người là Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh), người bị đánh là ông T. (50 tuổi, ngụ quận 1). Làm việc với cơ quan chức năng, Nhựt khai khi mở cửa ô tô, thấy mặt ông T. khó chịu nên lao vào đánh chứ hai bên không có xích mích trước đó. “Cuộc sống vốn có nhiều áp lực, ai cũng có lúc nóng giận vô cớ nhưng phải biết kiềm chế không hành xử theo bản năng được. Hành vi vô cớ đánh người, coi thường pháp luật, sức khỏe, tính mạng của người khác của Nhựt rất đáng bị lên lên án và xử lý nghiêm theo pháp luật” - ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) bức xúc nói.
Cô Trịnh Thị Tươi, giáo viên Trường tiểu học Hùng Vương (huyện Thống Nhất), cho rằng mỗi người nên học cách kiềm chế, trang bị cho mình văn hóa và kỹ năng ứng phó với những cơn giận tức thì của bản thân khi gặp phải tình huống dẫn đến căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột với người khác.
Tại Đồng Nai, các vụ đánh nhau gây thương tích nặng dẫn đến người mất mạng, người vào tù do mâu thuẫn sau va chạm giao thông đã từng xảy ra. Nhiều người dự phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh vào tháng 5-2024 không khỏi tiếc nuối cho sự nông cạn, bồng bột của bị cáo Nguyễn Hữu Tịnh (24 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) trong cách hành xử khi va chạm giao thông đã đẩy đến bi kịch cho nhiều người, nhiều gia đình.
Theo lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, khi Tịnh đang điều khiển xe máy lưu thông đến đoạn đường gần công viên Biên Hùng thì xảy ra va quẹt xe với Châu Tuấn Kiệt (20 tuổi, ngụ cùng phường) và hai bên cãi nhau. Để giải quyết mâu thuẫn, hai bên hẹn đánh nhau tại khu vực gần Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa). Mỗi người rủ theo một nhóm bạn chuẩn bị súng, dao, mã tấu, bom xăng… để giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả, 1 người tử vong, 17 bị cáo phải ngồi tù.
Ngăn chặn hành vi bạo lực
Từ các vụ việc trên cho thấy, thay vì giữ bình tĩnh và ứng xử đúng cách, nhiều người đã không kiểm soát lời nói, hành vi, khiến sự việc bị đẩy đi quá xa… để lại những hậu quả đau lòng. Kẻ phóng hỏa đốt quán bị bắt ngay trong đêm và phải đối mặt với mức án tương xứng theo quy định của pháp luật. Để trả giá cho hành vi xâm phạm thân thể, đe dọa tính mạng người khác, tài xế đánh người, Quách Minh Nhựt đã bị công an bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Theo dõi diễn tiến các vụ việc trên dư luận đã lên án gay gắt các hành vi bạo lực và đề nghị cơ quan chức năng cần xác minh rõ, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật. “Chỉ có nghiêm trị thì mới dẹp được loạn côn đồ trên đường phố” - chị Trần Thị Thu Huệ (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) đề xuất.
Theo chị Huệ, hành vi ứng xử bạo lực xuất phát từ bản năng. Với một người không được trang bị nền tảng văn hóa tốt, thiếu kỹ năng ứng xử, không biết kiềm chế thì rất dễ có hành động bộc phát. Ngoài các yếu tố chủ quan như: cái tôi cá nhân, tính cách thích thể hiện, coi thường pháp luật hay vấn đề văn hóa và nhận thức hạn hẹp của cá nhân..., thì hành vi bạo lực cũng bộc phát từ yếu tố khách quan do tác động của bia rượu, áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống, ảnh hưởng của phim ảnh, sự kích động của những người xung quanh. Tuy nhiên, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì hành động thiếu suy nghĩ, thiếu nhân tính gây hại cho người khác, cho cộng đồng cần phải được xử lý nghiêm minh để răn đe.
Kim Liễu