Đẩy lùi quảng cáo sai sự thật: Cuộc chiến dài hơi

Đẩy lùi quảng cáo sai sự thật: Cuộc chiến dài hơi
7 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, nghề livestream, đặc biệt lĩnh vực bán hàng đã trở thành xu hướng được giới trẻ yêu thích. Tuy nhiên, đằng sau sự bùng nổ đó là những hệ lụy nghiêm trọng như quảng cáo sai sự thật, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng giả tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin.
Ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM cho biết, livestream là một nghề mới mở ra nhiều cơ hội. Ai có kỹ năng giao tiếp, hoạt ngôn, biết cách tiếp thị sản phẩm có thể bắt đầu kinh doanh mà không cần nhiều vốn.
Ông Đảo nhìn nhận, nhiều bạn trẻ đã "phất lên" từ nghề này, thậm chí trở thành KOC (người ảnh hưởng) thu hút hàng triệu người theo dõi. Tuy nhiên, với xu hướng "bán hàng bằng mọi giá" dẫn tới thực trạng khuếch đại công dụng, quảng cáo không kiểm chứng, hoặc tiếp tay bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Người nổi tiếng "thổi phồng" công dụng của các sản phẩm trên mạng.
“Nhiều sản phẩm hàng hóa có một trong các chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% mức tối thiểu đã đăng ký, công bố, thậm chí là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang quảng cáo tràn lan. Thậm chí, nhiều sản phẩm là hàng nhái, hàng giả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, nhiều người nổi tiếng cũng vướng vào bê bối livestream quảng cáo sai, gây bức xúc trong dư luận, điển hình như vụ việc "kẹo rau" đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, buộc các bên liên quan phải chịu trách nhiệm”, ông Đảo nói.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều động thái mạnh mẽ nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo, đặc biệt trên môi trường mạng.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo số 75/2025/QH15 ngày 16/6/2025 đã bổ sung nhiều điểm mới. Nổi bật là Điều 15a về Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, quy định rõ trách nhiệm của KOC, KOL khi tham gia quảng cáo.
Ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM.
Ở góc độ cá nhân, ông Đảo cho rằng, các chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe. Mức phạt còn thấp so với lợi nhuận mà các bên thu về từ việc quảng cáo sai sự thật. Do đó, ông kiến nghị cần có các nghị định mới nâng mức xử phạt, tăng tính răn đe.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Bộ Công an, Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng... để xử lý nhanh, triệt để các vụ việc vi phạm.
Trong đó, Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người. Các Hội ngành nghề cần đẩy mạnh tuyên truyền. “Về phía Hội Quảng cáo TP.HCM, chúng tôi đang hướng đến thành lập CLB Đại sứ cộng đồng, nơi quy tụ người nổi tiếng có ý thức tuân thủ pháp luật để lan tỏa thông điệp “nói không với quảng cáo sai sự thật" và các giá trị nhân văn trong xã hội”, ông Đảo cho hay.
Về phía người dân, ông Đảo cho rằng cần tỉnh táo hơn khi tiếp cận các nội dung quảng cáo. Không nên vội tin những lời "có cánh" trên mạng, cần kiểm chứng nguồn gốc sản phẩm, công dụng thực tế, so sánh giá cả. Nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng nên liên hệ cơ quan chức năng hoặc gọi đến các đường dây nóng để được hỗ trợ.
Cả hệ thống chính trị chung tay đẩy lùi quảng cáo sai sự thật. Ảnh: AI.
“Nếu Hội Quảng cáo TP.HCM tiếp nhận thông tin phản ánh, chúng tôi sẽ làm cầu nối gửi đến các cơ quan chức năng”, ông Đảo khẳng định.
Bên cạnh các giải pháp mang tính căn cơ, theo ông Đảo, một giải pháp quan trọng, mang tính lâu dài là nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho giới trẻ, lực lượng đang chiếm số đông trong nghề livestream.
“Thông qua cuộc thi "Đấu trường chốt đơn - StudentLive” do Hội Quảng cáo TP.HCM và các đối tác tổ chức, chúng tôi tích cực thực hiện các hoạt động tập huấn, hướng nghiệp, cung cấp kiến thức nền về pháp luật quảng cáo, dân sự, hình sự, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm… giúp các bạn trẻ tự tin bước vào nghề livestream một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm”, ông Đảo nói.
Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM chia sẻ thêm: “Livestream không chỉ kỹ năng nói trước ống kính, livestream chuyên nghiệp còn yêu cầu khả năng xác minh sản phẩm, làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp, nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân trước pháp luật. Một khi bạn trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc trung thực, tôn trọng người tiêu dùng sẽ trở thành những "đại sứ quảng cáo" tích cực, góp phần xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh".
Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM chia sẻ với Báo Công lý về tình trạng quảng cáo sai sự thật hiện nay.
Hiện nay, dù đã có hành lang pháp lý cơ bản nhưng cuộc chiến chống quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà đòi hỏi một hành trình dài hơi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự kiên trì, phối hợp đồng bộ, chủ động từ cộng đồng và chính mỗi người dân.
“Khi mạng xã hội trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hiện đại thì việc giữ sạch môi trường mạng khỏi những nội dung quảng cáo gian dối là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Khi người trẻ hiểu đúng về nghề livestream, khi cộng đồng cùng đồng lòng lên án những hành vi sai trái, chắc chắn tình trạng quảng cáo sai sự thật sẽ dần được đẩy lùi”, ông Đảo nhấn mạnh.
Hy vọng rằng, cuộc chiến chống quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái sẽ đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, góp phần mang lại môi trường trong sạch trên không gian mạng.
Kim Sáng
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/day-lui-quang-cao-sai-su-that-cuoc-chien-dai-hoi-486520.html