Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá'

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là 'đột phá của đột phá'
8 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: nhandan.vn
* Tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với các đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số. Đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là “đột phá của đột phá” và thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm, cấp bách sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trước mắt, trong năm 2025 hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản; thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài; tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp để tăng nhanh nguồn cung.
* Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công
Khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; thu hút vốn FDI có chọn lọc. Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để chất lượng tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu; động lực tăng trưởng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho nhân dân, một số lĩnh vực ưu tiên và lĩnh vực có khả năng tái tạo tăng trưởng.
Đẩy mạnh tiêu dùng, tăng cường các giải pháp thu hút khách du lịch, thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng. Kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách về thuế để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; kích thích tiêu dùng, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp.
Tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số; thúc đẩy các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đáp ứng đủ năng lượng cho tăng trưởng 2 con số.
Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Ban chỉ đạo Trung ương về triển khai Nghị quyết 57 đã họp phiên đầu tiên, xác định cụ thể các công việc cần thực hiện trong quý I, quý II, quý III, quý IV của năm 2025. Yêu cầu các cơ quan phải triển khai ngay, không được để xã hội đang “kỳ vọng” trở thành “thất vọng”. Ban chỉ đạo Trung ương sẽ áp dụng bộ chỉ số theo dõi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị để biết rõ cấp nào, cơ quan nào hoạt động như thế nào).
Tập trung thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, bán dẫn, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...; khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu công nghệ 6G, phát triển vệ tinh viễn thông tầm thấp. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút hiệu quả các nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài về làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... để thúc đẩy thương mại công bằng, hài hòa, bền vững với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU và các đối tác lớn của Việt Nam. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng xuất khẩu mới bên cạnh thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng trong nước; chủ động dự báo và có phương án ứng phó với các yếu tố đột xuất, bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thương mại, khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang... hoặc một số điều kiện quốc tế khác trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, thương mại...
* Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, từng cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao
Từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần nghiên cứu, thảo luận kế hoạch hành động của ngành mình, cấp mình, địa phương mình thật cụ thể, sát thực tế để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước. Nghị quyết đảng bộ các cấp phải chỉ ra các biện pháp phát triển kinh tế xã hội của cấp mình, nhất là các nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Nội dung các Nghị quyết này phải được triển khai ngay sau khi tổ chức đại hội chứ không chờ Nghị quyết của cấp ủy cấp trên ban hành rồi mới xây dựng kế hoạch chương trình hành động triển khai.
Tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy phải được phát huy tối đa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quyết tâm, chủ động, năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là chìa khóa của thành công. Cần bổ sung sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương.
Địa phương có quyền đòi hỏi, kiến nghị Trung ương có cơ chế, giải pháp tháo gỡ để địa phương phát triển bên cạnh việc địa phương chấp hành các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương.
Những kiến nghị, đề xuất của địa phương phải được Trung ương xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm và phải trả lời dứt khoát, đúng thời gian quy định, rõ ràng, cụ thể tránh tình trạng bút phê như: “Thực hiện theo đúng pháp luật và quy định hiện hành và tự chịu trách nhiệm” hoặc bút phê lòng vòng, đùn đẩy, bởi đó là thứ bút phê an toàn, nhưng thực chất là tránh né, không làm đúng, làm tốt việc cần làm.
Đặc biệt sau khi giao việc bắt buộc phải có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, từng cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao và kết quả chỉ đạo, kết quả công tác là căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị đó. Bộ máy trong hệ thống chính trị phải hoạt động thông suốt từ Trung ương tới cơ sở trên tinh thần “công việc là trên hết”.
Thanh Hải (ghi)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202501/day-manh-3-dot-pha-chien-luoc-nhat-la-dot-pha-ve-the-che-vi-do-la-dot-pha-cua-dot-pha-cb040c8/