Ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch UBND phường Xuân Lập, thành phố Long Khánh (thứ 2 từ trái qua), hướng dẫn công chức, người hoạt động không chuyên trách thực hiện cải cách hành chính công vụ. Ảnh: N.Hà
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18), trên địa bàn Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được đẩy mạnh và được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Giảm đầu mối, tăng thu nhập
Việc sắp xếp, giảm các đầu mối, tinh gọn bộ máy, thực hiện tốt các chính sách sẽ tăng thu nhập và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực thực hiện nhiệm vụ.
Tại phường Xuân Lập (thành phố Long Khánh), khi thực hiện Nghị quyết 18 đã giảm được các đầu mối thuộc lực lượng hoạt động không chuyên trách và chính sách kiêm nhiệm. Chủ tịch UBND phường Xuân Lập Nguyễn Ngọc Trường cho hay, trong năm 2024, phường bố trí Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Thị Bảy kiêm nhiệm vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, phụ trách luôn các lĩnh vực tôn giáo, gia đình - trẻ em của phường. Nhờ đó, thu nhập của bà Bảy đạt trên 10 triệu đồng/tháng, tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2023 khi chưa kiêm nhiệm.
Cũng là một trường hợp được bố trí, sắp xếp kiêm thêm nhiệm vụ, ông Bùi Minh Phúc, Văn phòng Đảng ủy phường Xuân Lập, phụ trách công tác tuyên giáo và một bộ phận khối vận địa phương. Công việc tăng thêm, thu nhập tăng hơn, quan trọng là việc sắp xếp khoa học nên mọi việc vẫn trôi chảy đúng tinh thần “Đúng ngay từ đầu, xử lý việc ngay từ gốc”.
Với những địa phương vừa thực hiện sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã theo nghị quyết của Quốc hội, tỉnh đều bố trí sắp xếp lại theo hướng giảm đầu mối, tăng khối lượng công việc và đi kèm là chế độ, chính sách lương, phụ cấp tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, giúp họ yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước khi thực hiện điều chỉnh, sáp nhập theo nghị quyết của Quốc hội, xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Sau khi điều chỉnh, sáp nhập về xã Trị An - xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, xã Trị An mới đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh đều tăng cao hơn năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND xã Trị An Trần Văn Hùng, 8 trường hợp trong diện phải tinh giản đều được giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách theo quy định với tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng.
Cải cách hành chính thúc đẩy tinh gọn bộ máy
Quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, CCHC vẫn được xác định là một trong những khâu đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Các địa phương đẩy mạnh những cách làm mới, mô hình sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện nhiệm vụ này.
Thành phố Long Khánh đang triển khai vận dụng hiệu quả các mô hình: “Một giờ buổi sáng vì dân”; “Tạo mã QR tích hợp các thông tin”; “Thư viện số, đọc báo qua mạng”. Huyện Xuân Lộc tiếp tục triển khai các mô hình: “Các giải pháp giúp nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần”; “Giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trên địa bàn huyện”; “Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến cho người dân tại Bộ phận Một cửa huyện”…
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC đề nghị, cần rà soát, đẩy mạnh thực hiện CCHC để thúc đẩy tiến độ tinh gọn bộ máy. Có như thế, mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 của tỉnh mới thành công.
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Thanh Tùng, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm nhiều đầu mối, cấp trung gian, giảm số lượng lãnh đạo. Toàn tỉnh đã giảm được 36 phòng và tương đương thuộc sở; 52 phòng thuộc chi cục thuộc các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh so với năm 2015. Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc khối chính quyền giảm 118 đơn vị so với năm 2015.
Quá trình thực hiện, tỉnh thí điểm mô hình mới về tổ chức và kiêm nhiệm chức danh của địa phương theo Thông báo số 16 của Trung ương về thực hiện một số mô hình thí điểm khi thực hiện Nghị quyết 18. Đó là thực hiện quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ấp, khu phố.
Trong đó, đối với ấp, khu phố thực hiện kiêm nhiệm chức danh bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố (giảm 1 người theo số lượng quy định) và chế độ phụ cấp được hưởng 100% mức phụ cấp chức danh kiêm nhiệm. Thực hiện chính sách này, toàn tỉnh có 481 bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố và sẽ mở rộng với các ấp, khu phố còn lại của tỉnh.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 5, phường Xuân An (thành phố Long Khánh) Bùi Đức Bảo cho rằng, kiêm nhiệm cùng lúc 2 nhiệm vụ sẽ vất vả hơn nhưng nếu quyết tâm làm việc trách nhiệm thì việc khó cũng thành công. Phường Xuân An có 15 khu phố, sau khi đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2024-2027, đã có 13/15 bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố, giảm 13 trường hợp.
Các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong CCHC đã và đang góp phần để Đồng Nai tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong giai đoạn tiếp theo.
Nguyệt Hà