Bám sát các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đánh giá sát tình hình thực tế địa phương, tháng 8-2024, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đổi tên thành Chi cục Dân số, trực thuộc quản lý của Sở Y tế. Mục tiêu hướng đến sự thay đổi tư duy nội hàm của cộng đồng, nhà quản lý và những người làm công tác dân số, phát huy được cơ cấu dân số vàng, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu trong chiến lược dân số đến năm 2030.
Tổ chức bộ máy làm công tác dân số tại tỉnh Bình Phước hiện nay, cấp tỉnh gồm 13 công chức, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố được bố trí dưới 5 biên chế, 108 viên chức tuyến xã và 1.378 cộng tác viên (trong đó cộng tác viên chuyên trách là 672, tương đương 48,7%).
Khó khăn, thách thức
Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh chia sẻ, từ đầu thập niên 60 thế kỷ XX, Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình dân số. Trải qua 4 thập kỷ, nước ta mới chỉ giải quyết được vấn đề kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm sinh xuống còn 2,09 con vào năm 2006. Mức sinh thay thế đã ổn định và giữ vững trong gần 1 thập kỷ qua, nếu bây giờ không chuyển đổi trọng tâm thì Việt Nam sẽ rơi vào già hóa dân số như các nước phương Tây, mất cân bằng giới tính khi sinh như Hàn Quốc, suy giảm mức sinh trầm trọng như ở Trung Quốc…
Thị xã Phước Long có 7/7 xã, phường đã thành lập và duy trì hiệu quả câu lạc bộ tiền hôn nhân. Với nhiều hoạt động đã tác động trực tiếp tới đối tượng vị thành niên trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân - gia đình
“Theo báo cáo từ Chi cục Dân số, Bình Phước hiện có tổng 249.994 hộ gia đình, khoảng 1.069.563 người, trong đó phụ nữ 15-49 tuổi khoảng 316.589 người. Khi Bình Phước bước vào quá trình chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển đã gặp nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, từ năm 2015, Bình Phước giải quyết được vấn đề quy mô dân số và đạt mức sinh thay thế, nhưng vẫn chưa đồng đều ở các địa phương. Cụm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức của đại bộ phận nhân dân, ngay cả những người làm công tác dân số lâu năm cũng vẫn loay hoay, không biết cách mở rộng hoạt động. Việc thực hiện nhiệm vụ, hoạt động truyền thông còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa có nhiều mô hình truyền thông về dân số và phát triển phong phú, hiệu quả với các nhóm đối tượng khó tiếp cận…” - bác sĩ Long cho biết thêm.
Nhiều giải pháp đảm bảo cân bằng, hài hòa
Xác định đẩy mạnh truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của toàn dân về công tác dân số trong thời kỳ mới, năm 2024, Chi cục Dân số tỉnh Bình Phước đã tập trung nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền thiết thực như: phổ biến, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, hướng dẫn triển khai chiến lược của ngành, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Lan tỏa những sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay tại các đơn vị, biểu dương gương người tốt, việc tốt và phê phán sai trái, yếu kém, các vi phạm về công tác dân số và phát triển…
Chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân sốtại thị xã Chơn Thành
Công tác truyền thông còn được mở rộng với hình thức truyền thông hiện đại, có nhiều người truy cập như: website, trang tin điện tử, mạng xã hội… Mỗi đơn vị, cá nhân sẽ căn cứ tính chất, thế mạnh, đặc điểm đối tượng và tác động của từng phương tiện truyền thông ở địa phương để lựa chọn nội dung, hình thức, cách tiếp cận truyền thông phù hợp, hiệu quả và lồng ghép các chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cộng tác viên dân số tại xã An Khương, huyện Hớn Quản chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện chuyển đổi từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số vàphát triển
Chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Nguyễn Du, TP. Đồng Xoài
“Trước đây làm công tác dân số, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo cách truyền thống, chúng tôi phải “đi từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động. Hiện nay, từng khu dân cư đều có nhóm Zalo, Facebook… nên các chiến dịch tăng cường tôi đều gửi vào nhóm để đông đảo người dân nắm rõ và thực hiện. Chị em đăng ký các dịch vụ cũng được nhập và chuyển dữ liệu dễ dàng. Các chỉ tiêu về dân số đã được gắn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - bà Đỗ Thị Lộc, Phó trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài chia sẻ.
Những kết quả khả quan
Với các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, năm 2024, nhiều chỉ tiêu công tác dân số của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tiêu biểu như: tỷ suất sinh giảm còn 13,58%, tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 110,3 trẻ em nam/100 trẻ em gái, tỷ lệ tầm soát trước sinh và sơ sinh ước đạt 60%. Tuổi thọ trung bình năm của Bình Phước đã tương đương các tỉnh trong khu vực. Cơ cấu dân số toàn tỉnh thay đổi theo hướng tích cực từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, tỷ lệ và số lượng dân số phụ thuộc ngày càng giảm. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh đạt 600.000 người. Chương trình dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai hiệu quả. Bình Phước trở thành 1 trong 9 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế, số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức 2,31 con.
“Phong tục của đồng bào tôi trước đây là sinh con đông để có người làm rẫy. Khi tôi sinh 2 con gái, gia đình chồng muốn tôi sinh thêm để có con trai nối dõi. Tuy nhiên, được các cộng tác viên dân số và cán bộ y tế ở xã đến tuyên truyền, vận động, tôi đã dừng lại ở 2 con và cố gắng chăm sóc, nuôi các con ăn học, thoát khỏi cảnh làm thuê như cha mẹ hiện nay” - chị Thị Hồng ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng bộc bạch.
Với những yêu cầu mới đi kèm với đặc điểm và xu hướng dân số mới, trong thời gian tới, ngành dân số Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao chất lượng dân số nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ bệnh tật, tăng tuổi thọ và thực hiện tốt các chương trình, giải pháp nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Mỗi hoạt động chuyển trọng tâm chính sách từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển đều rất cần sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Thu Hiền