Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số
Trải qua các giai đoạn phát triển, ngành lâm nghiệp đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận: quản lý, bảo vệ hiệu quả toàn bộ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng rừng, qua đó tỷ lệ che phủ rừng tăng đều qua các năm. Trong đó, năm 2023 tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, cao hơn mức trung bình 31% của thế giới.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh ĐắK LắK. Ảnh CLN
Lâm nghiệp hiện đã trở thành ngành kinh tế quan trọng với giá trị xuất khẩu đạt trên 13,2 tỷ USD, đóng góp trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp, đạt 5% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2021 giá trị xuất khẩu đạt 15,96 tỷ USD , năm 2022 đạt 17,09 tỷ USD, năm 2023 đạt 14,39 tỷ USD.
Qua đó, lâm nghiệp đã tạo việc làm, nâng cao sinh kế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng, ổn định trật tự xã hội. Ngoài ra, rừng còn có vai trò quan trọng trong phòng hộ bảo vệ vùng đầu nguồn, duy trì nguồn nước, bảo vệ vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong giám sát trồng rừng ven biển. Ảnh CLN
Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong ngành lâm nghiệp đã và đang giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Theo đó, các công nghệ hiện đại như AI, IoT và GIS đã và đang đóng góp tích cực vào công tác quản lý và bảo vệ rừng, giúp theo dõi sát sao sức khỏe của hệ sinh thái, dự đoán nguy cơ cháy rừng, phát hiện khai thác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra, khai thác thác tài nguyên rừng không bền vững dẫn đến suy thoái hệ sinh thái rừng; cạnh tranh thương mại đối với các mặt hàng từ gỗ ngày càng lớn, đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm từ rừng... Vì vậy, cần phải tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả hơn để quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững. Đồng thời, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng và đảm bảo các sản phẩm lâm sản có nguồn gốc hợp pháp.
Sẽ xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện
Từ năm 2013, ngành lâm nghiệp đã xây dựng hệ thống nền thông tin quản lý. Theo đó, hệ thống này đóng vai trò là nền tảng để tiếp nhận, tích hợp, kết nối các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành, phục vụ cho việc cập nhật dữ liệu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp. Nhờ đó, dữ liệu chuyên ngành lâm nghiệp hiện có đã được cài đặt, tích hợp vào hệ thống với các cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, về điều kiện lập địa thích hợp cho trồng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, thông tin mùa vụ trồng rừng, các khu rừng đặc dụng…
Cùng với đó, các đơn vị trong lĩnh vực lâm nghiệp đã xây dựng và ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có ứng dụng thực tế cao, góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên rừng như hệ thống cảnh báo cháy rừng tự động; hệ thống phát hiện sớm cháy rừng; biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động; bộ quan trắc mặt đất giám sát cháy rừng; hệ thống phát hiện sớm mất rừng. Trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản là hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng hợp pháp - ITWOOD. Trong xây dựng nền tảng để phát triển thông tin, dữ liệu dùng chung là hệ thống thông tin Lâm nghiệp - Forestry 4.0.
Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong giám sát đa dạng sinh học. Ảnh CLN
Chính nhờ ứng dụng công nghệ số trên đã giúp công tác quản lý, điều hành và ra quyết định kịp thời và chính xác, công tác giám sát tài nguyên rừng hiệu quả hơn. Nhờ đó, giảm thiểu nguy cơ suy thoái rừng và cải thiện khả năng bảo vệ tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, do hệ thống nền tảng công nghệ số này được xây dựng từ năm 2013 nên đến thời điểm hiện tại, hệ thống này đã có nhiều tính năng, tiện ích không còn phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng ngày càng cao với các ứng dụng, dịch vụ công nghệ số thông minh như phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics); Công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI, với việc ứng dụng AI để phân tích hình ảnh và dữ liệu từ vệ tinh, drone hoặc cảm biến; hỗ trợ nhận diện loại cây, xác định khu vực rừng bị tổn hại hoặc bị chặt phá trái phép; ứng dụng trong theo dõi nguồn gốc gỗ; nền tảng quản lý và giám sát rừng theo thời gian thực; phân tích carbon và phát thải khí nhà kính từ rừng…
Để khắc phục những bất cập này, hiện ngành lâm nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để minh bạch hóa quá trình quản lý rừng. Theo đó, ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng hệ sinh thái lâm nghiệp số toàn diện, từ quản lý rừng, khai thác tài nguyên, đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao năng lực quản lý, giám sát tài nguyên rừng một cách chính xác, kịp thời thông qua các ứng dụng công nghệ số. Đồng thời, tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và thực thi công việc của các cơ quan lâm nghiệp các cấp.
Thái Yến - Ngân Chi