Năm 2024, du lịch Quảng Ngãi đón hơn 1,4 triệu lượt khách (đạt 111% so với kế hoạch năm, tăng 36% so với với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 29.000 lượt người, tăng 91% với cùng kỳ năm trước. Tổng thu du lịch ước đạt 1.434 tỷ đồng, đạt 155% so với kế hoạch năm 2024, tăng 30% với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu ngoại tệ ước đạt 6,6 triệu USD.
Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ nói trên, ngoài các hoạt động quảng bá hình ảnh, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương thì ngành du lịch tỉnh còn chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia mạnh mẽ vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Từ cơ quan quản lý nhà nước là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến các công ty, doanh nghiệp lữ hành, những người làm du lịch đang phấn đấu tự nâng cấp mình, nâng cấp hệ thống, trang bị tri thức về công nghệ số… nhằm đáp ứng việc quản lý, vận hành và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Quảng Ngãi đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: TT
Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi) Đàm Việt Thanh cho biết, xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, thời gian qua, Sở đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển hệ thống kênh truyền thông tương tác mạng xã hội; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chuyển đổi số du lịch, sự kiện du lịch, liên kết thông tin doanh nghiệp du lịch; chuyển đổi số du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024…; số hóa nội dung thông tin, tài liệu; nâng cấp tiện ích app Du lịch Quảng Ngãi năm 2024.
Ngành du lịch cũng đã xây dựng Website:https://tuanle.dulichquangngai.vn để quảng bá, giới thiệu và đếm ngược thời gian diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, số hóa thông tin, hình ảnh và vận hành app Du lịch Quảng Ngãi, website Du lịch Quảng Ngãi, fanpage Du lịch Quảng Ngãi - Khám phá mới, website Du lịch Nông thôn Quảng Ngãi để quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh và thời gian diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tiến hành quảng bá nét đẹp, tiềm năng du lịch, văn hóa - lịch sử, con người, danh lam thắng cảnh, ẩm thực Quảng Ngãi, sản phẩm du lịch mới, chủ đạo của tỉnh, trong đó, chú trọng tuyên truyền, quảng bá về phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo”, ông Đàm Việt Thanh cho hay.
Số hóa thông tin các di tích
Bên cạnh các ứng dụng, ngành du lịch địa phương còn triển khai gắn mã QR tại các điểm đến, riêng huyện Lý Sơn có 28 mã QR, thông tin về địa danh và cẩm nang về du lịch là những nội dung chính được mã hóa trong mã QR. Tương tự, tại Khu chứng tích Sơn Mỹ cũng đã triển khai gắn mã QR tại 15 điểm trong khuôn viên khu chứng tích, du khách đến mỗi địa điểm, sau khi quét mã QR sẽ được nghe thuyết minh radio tự động tại mỗi điểm, giúp tiết kiệm nhân lực, cũng như cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tài liệu lịch sử đến du khách.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 12 di tích lịch sử, văn hóa đã được triển khai thực hiện số hóa thông tin, cụ thể như: Di tích lịch sử Cây Gạo (huyện Bình Sơn), Khu chứng tích Sơn Mỹ (TP. Quảng Ngãi), Đình làng An Định (huyện Nghĩa Hành), Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại (huyện Ba Tơ), Bảo tàng Chiến thắng Vạn Tường, Công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 83 (huyện Nghĩa Hành)... Hình thức số hóa di tích được ví như cuốn cẩm nang du lịch số rất tiện lợi và hữu ích, vừa bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, dễ dàng, vừa giúp quảng bá giá trị di tích văn hóa, lịch sử ở các địa phương trong tỉnh.
Du khách thích thú với các sản phẩm du lịch truyền thống
Trong xu thế phát triển của "du lịch số", các doanh nghiệp lữ hành cũng đã rất tích cực trong việc triển khai xây dựng sản phẩm du lịch mới như: Giới thiệu tour trên nền tảng trực tuyến; check-in khách sạn tự động, triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ngãi trên các nền tảng mạng xã hội như website, Facebook, YouTube, Zalo, TikTok… Đây cũng là các phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu thế.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách như: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping, ứng dụng thẻ du lịch thông minh; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại các điểm du lịch. Tiếp tục nâng cao app du lịch thông minh, ứng dụng Khám phá Lý Sơn, cập nhật dữ liệu về điểm đến, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch đầy đủ hơn.
Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch; tăng cường liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch, nhất là các tỉnh, thành phố trong liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phấn đấu trong năm 2025, Quảng Ngãi sẽ đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 32.000 lượt người; tổng thu du lịch ước đạt 1.680 tỷ đồng, trong đó doanh thu ngoại tệ ước đạt 6,9 triệu USD.
AN NGUYÊN