Trường Tiểu học Sông Hiến là một trong những trường trên địa bàn Thành phố xây dựng và ứng dụng phòng học thông minh vào hoạt động giảng dạy hiệu quả. Trường có 25 lớp, 934 học sinh, 44 cán bộ, giáo viên; 100% học sinh học chương trình 2 buổi/ngày. Phục vụ đắc lực cho hoạt động CĐS trong nhà trường là hệ thống các phòng học được trang bị Smart tivi/máy chiếu, loa trợ giảng, tất cả đều được kết nối mạng internet tốc độ cao, ổn định. Đội ngũ thầy, cô giáo trong nhà trường đều có máy tính xách tay phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Ngoài ra, các phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị dạy học đã giúp cho hoạt động CĐS trong nhà trường trở nên thuận lợi. Hiện, học sinh các khối lớp 3, 4 và 5 được học môn Tin học, giáo viên giao bài cho học sinh thông qua phụ huynh trên nhóm Zalo.
Cô Nguyễn Tuyết Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Hiến cho biết: Nhà trường tích cực đổi mới, đẩy mạnh CĐS trong giảng dạy, quản lý và giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Với số lượng học sinh đông, nhà trường thực hiện quản lý học sinh bằng hồ sơ điện tử và học bạ điện tử. 100% cán bộ quản lý, giáo viên của trường thực hiện soạn thảo văn bản trên máy vi tính và truy cập để nhận, gửi thông tin qua nhóm Zalo, email. Bên cạnh đó, trường tích cực thực hiện sổ điểm điện tử, chữ ký số, phần mềm quản lý thông tin xuyên suốt trong toàn ngành, sử dụng phần mềm VnEdu để quản lý học sinh, tương tác với phụ huynh thông qua tin nhắn...
Học sinh Trường Tiểu học Sông Hiến làm bài tập trên tivi thông minh.
Cùng với việc soạn và sử dụng giáo án điện tử, các giáo viên nhà trường ứng dụng CNTT hiệu quả, sáng tạo vào bài giảng giúp tăng tính tương tác, sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học. Các thông tin liên quan, bài viết về sinh hoạt chuyên môn, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cũng được đăng tải kịp thời trên Website, Fanpage của nhà trường; xây dựng thư viện học liệu điện tử để giáo viên, học sinh chia sẻ, sử dụng trong dạy, học và trong kiểm tra, đánh giá giáo viên.
Xác định, việc ứng dụng CNTT, CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã triển khai một cách đồng bộ nền tảng quản trị cơ sở giáo dục tới 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Trong đó, triển khai các phân hệ như: quản lý học sinh (quản lý hồ sơ, kết quả học tập), quản lý đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, thông tin y tế trường học, quản lý thông tin về sức khỏe học sinh, quản lý kế toán; đảm bảo kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu (CSDL) giáo dục địa phương và CSDL ngành giáo dục.
Ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục duy trì, sử dụng tối đa lợi ích hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS) để kết nối giữa nhà trường, giáo viên với học sinh, phụ huynh và tổ chức các hoạt động giáo dục; đảm bảo tích hợp, kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm dạy học trực tuyến với phần mềm quản trị ở cơ sở giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ, khai thác nền tảng số, các phần mềm như Microsoft Teams, Zoom, GoogleMeet... để tổ chức dạy học, tập huấn, họp, hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tuyến, sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn; sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, liên trường.
Đẩy mạnh triển khai hoạt động giáo dục STEM, robotics trong nhà trường; giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM); đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng, các nền tảng mở, phần mềm nguồn mở vào chương trình giảng dạy từ cấp tiểu học để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số. Khuyến khích các cơ sở giáo dục có nhu cầu và điều kiện thực hiện xây dựng phòng studio phục vụ xây dựng học liệu số và dạy học trực tuyến (gồm máy tính, thiết bị phụ trợ và các phần mềm cần thiết).
100% phòng máy tính tại các trường học trên địa bàn Thành phố đảm bảo được kết nối Internet, phục vụ hiệu quả hoạt động dạy và học.
Hiện nay, 100% trường tiểu học trên địa bàn Thành phố tiếp tục triển khai học bạ số; 32/32 cơ sở giáo dục đảm bảo kết nối Internet cáp quang, dịch vụ Internet không dây phục vụ hoạt động dạy học và quản lý; 100% đội ngũ giáo viên có máy tính đảm bảo việc ứng dụng CNTT, CĐS trong dạy học. Có 651 máy tính đáp ứng tối thiểu mức độ cơ bản phục vụ dạy môn Tin học: Tối đa 2 - 3 học sinh học chung 1 máy tính ở cấp tiểu học; tối đa 2 học sinh học chung 1 máy tính ở cấp THCS. 24 phòng máy tính tại các trường học đảm bảo được kết nối Internet, được chú trọng khai thác phục vụ cho hoạt động chuyên môn của các nhà trường, các môn học khác ngoài môn Tin học và phục vụ tổ chức các cuộc thi như: Olympic Tiếng Anh trên Internet, Trạng Nguyên Tiếng Việt, sân chơi Violympic, đấu trường Vioedu, lập trình điều khiển robot…
100% cơ sở giáo dục duy trì cập nhật dữ liệu trên các hệ thống phần mềm CSDL ngành giáo dục (https://csdl.moet.gov.vn); hoàn thành việc cập nhật, đồng bộ đầy đủ dữ liệu từ CSDL ngành lên IOC - hệ thống Phần mềm CSDL giáo dục và Quản lý hồ sơ giáo dục thuộc Hệ sinh thái giáo dục thông minh tỉnh Cao Bằng. 32/32 cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai việc thu học phí và các khoản thu khác theo quy định bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ngô Thùy Dương cho biết: Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo hoạt động quản lý và dạy học, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và khai thác dữ liệu phục vụ CĐS quốc gia. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, cách thức CĐS; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tích cực kiểm tra, đánh giá mức độ CĐS để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực tham gia đầu tư trang thiết bị, xây dựng nền tảng số và ứng dụng CNTT, CĐS trong các nhà trường.
Lam Giang