Đẩy mạnh công tác dân vận, tạo sự đồng thuận người dân khi thực hiện các dự án

Đẩy mạnh công tác dân vận, tạo sự đồng thuận người dân khi thực hiện các dự án
3 ngày trướcBài gốc
Chỉ thị cũng nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai và ban hành kèm phụ lục giúp nhận diện và xử lý những hành vi vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác dân vận trong lĩnh vực này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức Hội thi "Dân vận khéo" TP Hà Nội năm 2024.
Góp phần phát huy quyền làm chủ, sự đồng thuận trong Nhân dân
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, trong những năm qua, công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện tốt. Qua đó góp phần phát huy quyền làm chủ và sự đồng thuận trong Nhân dân.
Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, như: Đường Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long, Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông..., tạo nên diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, văn minh.
Một trong những Dự án tiêu biểu có thể kể đến là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống dân vận, công tác GPMB phục vụ dự án đến nay đã đạt kết quả tích cực. Tại Hà Nội, TP đã phê duyệt và thu hồi đất được 786,2/798,65ha (đạt 98,44%). Trong 12,45ha còn lại chưa hoàn thành GPMB, có 2,93ha đất nông nghiệp, đất khác và 9,52ha đất ở.
Thành phố đã thu hồi đất bổ sung được 5,73/9,96ha, 34/36 vị trí móng cột cao thế; chuyển được 10.281/10.347 ngôi mộ (đạt 99,36%). Ban Quản lý dự án công trình giao thông đã tiếp nhận mặt bằng 776,82/786,2ha (tương đương 48,35km/52,73km và đạt 91,7%). Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành cơ bản các khu tái định cư và bố trí tái định cư cho 337/818 hộ dân. Thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ trước ngày 31/12/2024.
Sự đồng thuận, nhất trí của Nhân dân trong việc bàn giao đất cho Nhà nước và di chuyển đến nơi ở mới đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của hệ thống cán bộ làm công tác dân vận trên địa bàn TP. Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong việc vận động, tuyên truyền Nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn TP, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho biết, thời gian qua, mặc dù công tác dân vận phục vụ GPMB tại các dự án lớn trên địa bàn TP đã có nhiều thành tựu, song quá trình thực hiện công tác dân vận ngay từ bước đầu lập quy hoạch cho tới khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, vẫn còn một số địa phương, đơn vị để xảy ra những bất cập gây bức xúc trong Nhân dân. Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp vẫn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án trên địa bàn, gây lãng phí nguồn lực cho phát triển…
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định, nguyên nhân chủ yếu là do một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong lập và triển khai quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; quá trình thực hiện còn thiếu giải pháp phù hợp, chưa huy động đồng bộ các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng tham gia.
Trong khi đó, thời gian tới, Luật Thủ đô năm 2024 chính thức có hiệu lực; Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy những dự án đã, đang và sẽ triển khai sớm được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô, tạo đà phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Thực tế này đòi hỏi công tác dân vận trong GPMB phục vụ các dự án lớn phải có sự quyết tâm, sáng tạo và linh hoạt, vận dụng pháp luật để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ thực tiễn này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU về đẩy mạnh công tác dân vận trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dân vận, đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của Thủ đô.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn gắn biển công trình “Dân vận khéo” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.
4 nhiệm vụ trọng tâm
Chia sẻ về 4 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Chỉ thị số 36-CT/TU, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết, trước hết, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tập huấn và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của T.Ư, TP về công tác dân vận. Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với các chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng cùng quyền lợi, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia ý kiến lập và thẩm định quy hoạch, giám sát công tác triển khai quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, việc triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); các bộ luật liên quan. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các địa phương, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với đó, sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác PCTNTC; phát huy hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong cung cấp thông tin liên quan và thực hiện công tác dân vận đối với việc lập và triển khai quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ nơi phát sinh, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nhân rộng, biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình trong vận động Nhân dân tham gia ý kiến xây dựng, thực hiện quy hoạch, đồng thuận bàn giao mặt bằng triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục quan tâm công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân và giải quyết đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy làm công tác quy hoạch và GPMB. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia ý kiến trong việc lập và triển khai quy hoạch. Vận động người dân chủ động bàn giao mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức giám sát việc công khai hoạt động quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành.
Ngoài 4 nhiệm vụ trọng tâm, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết cũng cho biết, Chỉ thị số 36-CT/TU cũng ban hành kèm theo phụ lục chỉ rõ những biểu hiện nhận diện một số hành vi vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, đối với nhóm biểu hiện nhận diện bao gồm 11 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch và 7 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Phụ lục cũng chỉ rõ việc xử lý vi phạm về dân chủ trong công tác quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo pháp luật hiện hành như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai và các pháp luật liên quan. Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm căn cứ các biểu hiện nhận diện hành vi vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để cụ thể hóa cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.
“Với phụ lục nhận diện chi tiết ban hành kèm theo Chỉ thị số 36-CT/TU, có thể tin tưởng, việc triển khai công tác dân vận trong quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sẽ phát huy tính minh bạch, đạt được kết quả cao nhất, góp phần vào thành tích chung của Đảng bộ TP Hà Nội và phấn đấu hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị được giao” - Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho biết.
Nguyên Bảo
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/day-manh-cong-tac-dan-van-tao-su-dong-thuan-nguoi-dan-khi-thuc-hien-cac-du-an.html