Đẩy mạnh công tác khuyến công

Đẩy mạnh công tác khuyến công
5 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được Nhà nước hỗ trợ dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) cần sự trợ lực từ nguồn khuyến công các cấp để phát triển.
Nhiều chương trình hỗ trợ
Thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia và kế hoạch khuyến công hằng năm của địa phương, giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã dành hơn 15 tỷ đồng để hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phân bổ hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ cho 37 cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, trung tâm cũng tích cực triển khai các đề án khuyến công, đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị nâng cao năng lực quản lý, điều hành, giúp cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn đủ sức cạnh tranh, từng bước mở rộng thị trường, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ở các địa phương. Từ đó, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới ở các huyện, thị xã trong tỉnh.
Nhờ được hỗ trợ từ kinh phí khuyến công, Công ty TNHH Việt Pháp đã đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại.
Ông Võ Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, năm 2024, trung tâm tập trung nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất sản phẩm, phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để giúp cho các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia. Bên cạnh đó, đào tạo tập huấn cho các cán bộ làm công tác khuyến công trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố để nâng cao nghiệp vụ, cải thiện việc xây dựng các đề án khuyến công, nâng cao chất lượng tham mưu cho UBND huyện, thị xã xây dựng kế hoạch khuyến công hằng năm.
Tạo xung lực từ nhiều phía
Từ các hoạt động khuyến công, thời gian qua, đã có khá nhiều DN ở nông thôn được hưởng lợi từ các đề án hỗ trợ đầu tư máy móc, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước cho biết: “Hiện tại hợp tác xã đang được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng khoảng 300 triệu đồng kinh phí khuyến công. Khi được hỗ trợ, chúng tôi sẽ đối ứng vốn thêm 700 triệu đồng để đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng đơn đặt hàng lớn từ các công ty xuất khẩu trong nước, giúp cho nhân công và lao động nhàn rỗi ở các địa phương có việc làm quanh năm, tăng thêm nguồn thu nhập. Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, cơ sở sản xuất của chúng tôi chắc chắn sẽ có sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, phát triển sản phẩm”.
Đề án khuyến công giúp Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy đã có không ít DN được hưởng lợi từ chính sách khuyến công, song thực tế hiện nay, đa phần cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, thiết bị sử dụng không đồng bộ, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp; thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu mặt bằng phù hợp để mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nên rất cần sự trợ lực từ Nhà nước. Trong khi đó, nguồn kinh phí hằng năm hỗ trợ cho công nghiệp nông thôn từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh có hạn, nên còn không ít cơ sở công nghiệp nông thôn gặp khó trong sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nhu cầu được hỗ trợ từ các DN công nghiệp nông thôn thực sự còn rất lớn. Tuy nhiên, vì kinh phí khuyến công có hạn nên vẫn chưa thể hỗ trợ hết được các cơ sở sản xuất đang cần sự trợ giúp. Chính vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, các chủ cơ sở công nghiệp nông thôn phải nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tranh thủ các nguồn lực và thường xuyên cập nhật tri thức mới, trau dồi kỹ năng quản trị DN để chủ động cải tiến hoặc đổi mới máy móc, ứng dụng thiết bị tiên tiến vào các khâu trong quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, tiêu chí của người tiêu dùng trong nước và thị trường nước ngoài. Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn nên có sự đầu tư thích ứng, phù hợp cho từng giai đoạn, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới vừa mang nhiều giá trị gia tăng, phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
ĐÌNH LÂM
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202412/day-manh-cong-tac-khuyen-cong-b577d23/