Đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng, quản lý cửa khẩu thông minh biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc

Đẩy mạnh hợp tác trong xây dựng, quản lý cửa khẩu thông minh biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc
8 giờ trướcBài gốc
Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh trao đổi kinh nghiệm sử dụng phần mềm quản lý xuất, nhập cảnh mới. Ảnh: Mai Anh
Cửa khẩu thông minh kết nối giao thương biên giới thuận lợi
Thời gian qua, trong bối cảnh quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước không ngừng được củng cố và phát triển, cùng với quyết tâm chính trị và tinh thần trách nhiệm, Ủy ban Hợp tác quản lý CK biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã tích cực phối hợp và thực hiện có hiệu quả nội dung hợp tác giữa hai bên. Theo đó, Ủy ban Hợp tác quản lý CK hai bên không ngừng đi sâu hợp tác và đạt được những thành quả tích cực trên các lĩnh vực, nâng cấp CK, tăng cường quản lý an ninh trật tự khu vực biên giới, xây dựng thí điểm CK thông minh, xây dựng kết nối hạ tầng CK qua biên giới.
Quảng Ninh là một trong số các tỉnh biên giới có hoạt động CK thông thương với Trung Quốc Hiện, một số CK tại Quảng Ninh đã và đang được đầu tư, nâng cấp để trở thành CK thông minh, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước. Điển hình, cửa khẩu quốc tế (CKQT) Móng Cái (Đồn Biên phòng CKQT Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh quản lý) đang hoạt động theo mô hình CK thông minh. Đây là một trong những CK đầu tiên tại Việt Nam được đầu tư và nâng cấp để trở thành CK thông minh. CKQT Móng Cái đã được trang bị các hệ thống công nghệ hiện đại như: Hệ thống quản lý và kiểm soát hàng hóa tự động; Hệ thống đọc mã vạch và mã QR; Hệ thống camera giám sát và nhận dạng khuôn mặt; Hệ thống quản lý và kiểm soát phương tiện tự động. Những hệ thống này đã giúp tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát tại CK, giảm thiểu thời gian và chi phí cho các hoạt động giao thương. CKQT Móng Cái cũng đã được kết nối với hệ thống CK thông minh của Trung Quốc, giúp tăng cường hợp tác và giao thương giữa hai nước.
Tại Lạng Sơn, CKQT Chi Ma, CKQT Hữu Nghị (BĐBP Lạng Sơn quản lý) hoạt động xuất nhập cả, xuất nhập khẩu đang hoạt động hiệu quả với nhiều cải thiện đáng kể. Hiện, BĐBP đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường quản lý và kiểm soát tại CK, bao gồm việc áp dụng các hệ thống công nghệ hiện đại như hệ thống quản lý và kiểm soát hàng hóa tự động, hệ thống đọc mã vạch, mã QR và hệ thống camera giám sát, nhận dạng khuôn mặt... Các CK này cũng đã được nâng cấp để trở thành một CK thông minh, với các chức năng như kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa và phương tiện.
Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, kiểm tra và quản lý phương tiện một cách nhanh chóng và chính xác. Điều này đã giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho các hoạt động giao thương, đồng thời, siết chặt an ninh, an toàn cho người, hàng hóa và phương tiện. Đặc biệt, CKQT Chi Ma là một trong những CK thông minh đầu tiên của Việt Nam đã trở thành một mô hình kiểu mẫu cho các CK khác trên toàn quốc.
Đổi mới trong quản lý cửa khẩu biên giới
Kể từ sau đại dịch Covid19, hoạt động xuất nhập khẩu qua các CK trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc có dấu hiệu tăng nhanh về số lượng; việc giao dịch xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử đã làm tăng tốc độ luân chuyển của hàng hóa. Do vậy, các doanh nghiệp cả hai bên đều mong muốn đơn giản hóa các thủ tục trong xuất nhập cảnh, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hải quan nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian thông quan, nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh trong xuất nhập khẩu.
Cán bộ Đồn Biên phòng CKQT Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn đảm bảo công tác trực phân luồng phương tiện xuất nhập khẩu. Ảnh: Quang Duy
Chính vì vậy, để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu qua các CK, các lực lượng chức năng tại CK (Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch) và các cơ quan, đơn vị liên quan luôn phải làm việc với cường độ cao về thời gian, trong môi trường biến đổi liên tục về cách thức xử lý công việc... Cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là các hành vi sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, sử dụng hộ chiếu của người khác để xuất, nhập cảnh; lợi dụng cơ chế quản lý và sơ hở của cơ quan pháp luật Việt Nam để lừa đảo, trốn thuế...
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quản lý CK, BĐBP không ngừng đổi mới quy trình công tác nghiệp vụ gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường trang bị phương tiện kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát, vừa bảo đảm an ninh biên giới quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, tăng cường năng lực quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu và gian lận thương mại tại các CK.
Đặc biệt, công tác phối hợp giữa BĐBP Việt Nam và các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ biên giới phía Trung Quốc trong quản lý CK, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các CK (lối mở) cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Hai bên đã phối hợp tham mưu, đề xuất thúc đẩy, mở, nâng cấp, tạo thuận lợi và nâng cao hiệu suất thông quan, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc phương tiện, hàng hóa tại các CK, đảm bảo CK biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc hoạt động hiệu quả.
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, các đơn vị BĐBP đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáng chú ý, đã phát hiện các đối tượng phản động lưu vong xâm nhập về nước phá hoại, đối tượng phạm tội có lệnh truy nã, đối tượng thuộc diện chưa được nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài với số lượng lớn.
Có thể nói, trong năm vừa qua, BĐBP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý CK, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện xuất nhập cảnh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, giữ vững và phát triển mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với lực lượng chức năng phía đối diện trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng CK bình yên, phát triển kinh tế - xã hội hai bên biên giới.
Tuyến biên giới bộ Việt Nam- Trung Quốc hiện có 26 CK, bao gồm 14 CK quốc tế và 12 CK song phương. Việc xây dựng CK thông minh tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc là một giải pháp quan trọng để tăng cường hiệu quả quản lý và thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai quốc gia. Đề án thí điểm xây dựng CK thông minh đã được phê duyệt dự kiến sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế của cả hai nước, tăng cường hợp tác và giao thương. CK thông minh sẽ giúp nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mạnh và thúc đẩy thương mại hàng hóa xuyên biên giới Việt - Trung.
Duy Khiêm
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/day-manh-hop-tac-trong-xay-dung-quan-ly-cua-khau-thong-minh-bien-gioi-tren-dat-lien-viet-nam-trung-quoc-post488832.html