Bố trí nguồn lực để tạo đột phá phát triển KH-CN
Trình bày trước Quốc hội ngày 5.5, Thủ tướng cho biết tăng trưởng GDP quý 1/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 – 2025. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.
Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỉ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Chính phủ cũng trình Quốc hội 13 dự án luật quan trọng và ưu tiên bố trí nguồn lực để tạo đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; dịch vụ công trực tuyến được tăng cường; chấp thuận đầu tư thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh; nâng cấp hạ tầng 5G và trục viễn thông quốc gia; triển khai Đề án 06 mang lại nhiều kết quả thực chất; cung cấp nhiều ứng dụng, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; chuyển đổi số trong quản lý thuế, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được triển khai quyết liệt, hiệu quả…
Đến hết quý 1/2025, đã lắp đặt 10.600 trạm BTS 5G; triển khai dự án StarLink, trong đó có dịch vụ cố định vệ tinh và dịch vụ di động vệ tinh (tối đa 600 nghìn thuê bao).
Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VneID; tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử. Hơn 2,9 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 80% người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản; thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử là 34,5 nghìn tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Quốc hội
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp.
“Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới”, Thủ tướng nêu.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của hạn chế, bất cập do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành; một bộ phận cán bộ, công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, còn vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…
Đẩy mạnh KH-CN để nền kinh tế đạt quy mô 500 tỉ USD
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỉ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%; đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh. Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, nhất là vệ tinh viễn thông, trục viễn thông quốc gia, mở rộng vùng phủ sóng 5G.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm "Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị thông minh"; giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí giải quyết của các thủ tục hành chính; tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt "không ngừng, không nghỉ".
Các đại biểu quốc hội thảo luận tại phiên khai mạc
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Đẩy mạnh thu hút, đa dạng hóa đối tác và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư FDI, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…
Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh một số ngành công nghiệp nền tảng (như năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng…); phát triển đột phá các ngành mới nổi (như chip, bán dẫn, robot, trí tuệ nhân tạo…); thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng "nông nghiệp xanh - sản phẩm sạch - công nghệ cao - thị trường bền vững".
Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn; sớm ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành công nghệ, kỹ thuật, khoa học cơ bản, văn hóa, nghệ thuật với lãi suất ưu đãi…
Song song đó, tập trung số hóa toàn diện và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý nhà nước. Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, các phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số"; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng cá nhân hóa; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu; ban hành chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa trong tháng 5.2025…
Lam Thanh