Nhiều sản phẩm để du khách lựa chọn
Theo đó, nhiều địa phương đã tích cực tung ra các sản phẩm du lịch mới hút khách du lịch tới tham quan. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai công tác phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung cho dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch”, tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông điểm đến “TP. Hồ Chí Minh - Chào đón bạn” năm 2024.
Thành phố ngoài tập trung khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch ban đêm, du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ), gắn với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ.
Các địa phương triển khai nhiều giải pháp kích cầu để hoàn thành chỉ tiêu khách du lịch trong năm 2024
Khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang tích cực chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch với nhiều mô hình du lịch xanh thu hút du khách. Đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, đây là một lợi điểm giúp ĐBSCL thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan, trải nghiệm.
Khách quốc tế đặc biệt quan tâm tới các sản phẩm du lịch cộng đồng liên tỉnh, thăm cù lao Thới Sơn, Tiền Giang; các làng nghề làm bánh kẹo thủ công truyền thống ở Bến Tre; các tour du lịch làng hoa Sa Đéc; thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê…
Ngoài ra, ngành du lịch vùng này cũng đẩy mạnh đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng của các loại hình du lịch mới như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm kết hợp với phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các vùng du lịch, các địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch; cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…
Ngược lên phía Bắc, ngành du lịch tỉnh Lào Cai đã phục hồi trở lại sau siêu bão số 3 (bão Yagi), đặc biệt thị xã Sapa đã sớm triển khai nhiều giải pháp song với việc nâng cấp hạ tầng giao thông. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2024, thị xã Sapa sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc như tour “Cung đường di sản văn hóa Dao”, “Di sản văn hóa Giáy; khai thác các điểm đến như: Không gian văn hóa các dân tộc Sapa và Khu chạm khắc đá cổ Sapa.
Còn tại huyện Bắc Hà, cuối tháng 11/2024 diễn ra Festival Cao nguyên trắng với chủ đề “Nghiêng say mùa Đông” kèm theo nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao hấp dẫn…
Không đơn thuần triển khai đơn lẻ, việc kích cầu đã được trở thành xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Được biết, mới đây đã diễn ra lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” do Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh thực hiện đã diễn ra. Chương trình có sự tham gia của gần 340 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, du thuyền… với trên 350 gói sản phẩm kích cầu, nhằm tạo động lực cho hoạt động du lịch của Quảng Ninh trong những ngày còn lại của năm 2024 và đầu năm 2025.
Thông qua chương trình, nhiều dịch vụ du lịch tại Quảng Ninh đều được giảm giá như: khách sạn hạng sang giảm giá phòng nghỉ lên đến 40%, giảm giá phòng tiệc 30%, kèm theo nhiều tiện ích hấp dẫn, thích hợp cho các kỳ nghỉ lễ và chương trình tổng kết, hội thảo cuối năm. Các đơn vị vận chuyển cũng cam kết sẽ ưu đãi sâu đến 25% cho tất cả các gói vận chuyển đưa đón sân bay, xe phục vụ các tour du lịch trong nước và quốc tế từ nay đến hết năm. Đặc biệt, hàng loạt các đơn vị kinh doanh tàu tham quan trên Vịnh Hạ Long đều cam kết giảm từ 5-10% dịch vụ.
Để khách quốc tế chi nhiều hơn
Đang trong thời gian cao điểm khách quốc tế, bên cạnh các chương trình kích cầu, ngành du lịch vẫn cần làm sao để thực sự nâng chất, nghĩ ra các sản phẩm để du khách có thể chi tiêu mạnh tay hơn, bởi chi tiêu của du khách là một trong những chỉ số đo lường quan trọng để tính tác động đến hiệu quả của du lịch với nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia chỉ ra, bên cạnh chi tiêu ẩm thực khi đi du lịch vốn là thế mạnh sẵn có của Việt Nam thì nước ta vẫn chưa có nhiều địa chỉ cho du khách tiêu tiền khi nhìn vào cơ cấu chi tiêu, số tiền du khách chi tiêu vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... Không nhiều du khách chịu chi cho các hoạt động vui chơi, giải trí, nếu đem so sánh với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan thì chi phí cho hoạt động vui chơi, giải trí chiếm 40-50%, thậm chí đến 60-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch.
Với việc phần lớn các sản phẩm chỉ khiến du khách đến Việt Nam chỉ để ngắm cảnh, tắm biển, đi dạo, chụp ảnh mà thiếu các địa điểm, vui chơi giải trí khác thì rất khó để khách quốc tế quay trở lại nước ta thêm nhiều lần.
Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam đưa ra gợi ý, về lâu dài cần triển khai một số giải pháp là mở rộng và cung cấp thêm các hoạt động dịch vụ như quán bar, vũ trường, những khu mua sắm quy mô lớn; những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mẫu mã đẹp, sản xuất theo nhu cầu của khách thay vì chỉ có những sản phẩm thuần túy từ các làng nghề.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, công nghệ thương mại điện tử càng phát triển thì con người sẽ tìm đến các phương thức nhanh gọn, giản tiện hơn. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với nhà bán lẻ đầu tư vào hệ thống thương mại điện tử, đón đầu ngay từ bước quảng bá phía nước bạn, thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam.
Ngành du lịch không chỉ hướng đến số lượng mà dần phải tìm giải pháp nâng tầm chất lượng, làm hài lòng để du khách chi tiêu nhiều tiền hơn nữa. Phục vụ tốt, quản lý tốt để an toàn cho du khách cũng đồng nghĩa với hướng đến sự hoàn hảo trong hoạt động du lịch.
Ngô Thị Thu Hà