Đẩy mạnh kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến

Đẩy mạnh kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến
2 giờ trướcBài gốc
Lợi thế của thương mại điện tử
Từ ngày 10 - 11/10/2024, tại tỉnh Bình Định, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với MCN Live Channel tổ chức chương trình bán hàng trực tuyến (livestream) trên nền tảng Shopee, TikTok dành cho các doanh nghiệp thuộc các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Đây là sự kiện nhằm mục đích hỗ trợ kết nối doanh nghiệp thuộc tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ với thị trường trực tuyến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền trên nền tảng mạng xã hội, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt, đồng thời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến.
Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin đang góp phần làm thay đổi căn bản hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số trong chương trình OCOP đã hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiêu thụ nông sản, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nâng cao uy tín sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Việc đưa sản phẩm lên môi trường số còn giúp cắt bớt các khâu trung gian nên doanh thu của Hợp tác xã, Tổ hợp tác sẽ tăng lên, giá trị các mặt hàng được nâng cao. Hiện nay, thương mại điện tử đang có xu hướng phát triển mạnh bởi tiết kiệm đáng kể các chi phí như: vận chuyển trung gian, chi phí giao dịch và đặc biệt là có thể tiết kiệm thời gian để đầu tư vào các hoạt động khác.
Do đó, lợi nhuận gia tăng đáng kể, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những lý do trên cho thấy, việc tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử có thể đem lại một thế mạnh để phát triển nền kinh tế đất nước và cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, thương mại điện tử là một trong những động lực mạnh mẽ của đổi mới kinh tế và đã thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày, thay đổi cách mua sắm, kinh doanh và tương tác với thị trường.
Thị trường thương mại điện tử hiện nay đang trải qua những xu hướng phát triển tại các địa phương, điều này phản ánh sự đổi mới và thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là tăng trưởng nhanh chóng của thị trường, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đáng kể của người tiêu dùng trực tuyến và sự thịnh hành của mô hình di động hóa. Mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử xã hội và thương mại điện tử trên nền tảng số đang nổi lên, mở ra những cơ hội mới cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là mở ra không ít cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Bình Thuận đã tham gia Sàn thương mại điện tử
Từ năm 2021, Sàn thương mại điện tử 3 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng đã đi vào hoạt động, đây là Sàn thương mại điện tử hoạt động phi lợi nhuận, không thu phí. Năm 2023 vừa qua, Sở Công Thương đã được Bộ Công thương phê duyệt Đề án nâng cấp Sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh này, đồng thời Sở Công thương còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương thực hiện triển khai kết nối Sàn thương mại điện tử ngành công thương với Sàn thương mại điện tử quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của Sàn thương mại điện tử. Đến nay, Sàn thương mại điện tử ngành công thương đã được nâng cấp, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ các tính năng và đưa vào hoạt động từ ngày 1/4/2024, trên sàn có 74 gian hàng đã đăng ký tham gia với 177 sản phẩm. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh hiện có trên 70 sản phẩm của các chủ thể là các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Tỉnh Bình Thuận được biết đến là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Để triển khai chương trình OCOP hiệu quả, các ngành chức năng của tỉnh chủ yếu chỉ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Giới thiệu, quảng bá rộng rãi các điểm bán sản phẩm OCOP đến với khách du lịch thông qua các trang web, công ty du lịch lữ hành, các khách sạn, nhà nghỉ. Bày bán tại các điểm bán sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh và giới thiệu hình ảnh điểm bán sản phẩm OCOP khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Xúc tiến việc đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu và tiêu thụ tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các nhà bán lẻ và nhà phân phối… Chính vì thế, các sản phẩm lợi thế của tỉnh, đặc biệt là cá sản phẩm OCOP trong thời gian tiếp tục đưa lên Sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP xây dựng các video clip, tin, bài quảng bá trên nền tảng số. Bên cạnh đó tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP về chu trình, biểu mẫu OCOP, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm, xây dựng, triển khai thực hiện phương án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng trên Sàn thương mại điện tử…
PHAN LIÊN
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/day-manh-kinh-doanh-tren-cac-kenh-ban-hang-truc-tuyen-124738.html