Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá tăng trưởng

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá tăng trưởng
5 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024 công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt năm 2024, ngoại giao kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024 ngoại giao kinh tế thu được nhiều kết quả quan trọng. Đến giờ này chúng ta đạt 15/15 chỉ tiêu đặc biệt là tăng trưởng trên 7%, từ đó kéo theo một loạt các chỉ tiêu khác như thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động… tăng lên, uy tín đất nước tăng lên. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với những gì đạt được vì dư địa phát triển vẫn còn và có thể làm tốt hơn nữa. Các bộ, ngành trong nước đã rất cố gắng, nỗ lực, Thủ tướng mong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ, cung cấp thông tin, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế trong nước.
Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng GDP toàn quốc phải đạt mức ít nhất 8% để tăng tốc, bứt phá hơn nữa. Do đó đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các nhà quản lý phải tìm mọi giải pháp để thực hiện.
Thủ tướng chỉ rõ, phải đẩy mạnh 3 đột phá: Thứ nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế chính sách, giảm chi phí tuân thủ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; thứ hai là về hạ tầng nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistic, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực để tăng cạnh tranh, tăng năng suất lao động là vấn đề rất quan trọng. Đối với các tỉnh, thành cần bấm sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao trong việc triển khai công tác đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao kinh tế trên địa bàn.
Tin, ảnh: Đức Huy
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/chinh-tri/day-manh-ngoai-giao-kinh-te-tao-da-but-pha-tang-truong