Luật Đầu tư công (sửa đổi) hướng tới tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm"địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; tránh tạo cơ chế "xin - cho"
Chiều 29-10, tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu (ĐB) thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Gỡ vướng cho địa phương
Đi vào vấn đề cụ thể, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tuy nhiên, cần có các tiêu chí cụ thể đối với các dự án được áp dụng việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng.
ĐB Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lưu ý cần bổ sung các cơ chế để bảo đảm kiểm soát quyền lực, thanh tra, kiểm soát, tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan được phân quyền.
ĐB Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, ủng hộ tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, bởi sẽ giúp địa phương chủ động hơn để giải quyết nhanh vướng mắc. Điều này thể hiện rõ tính hiệu quả khi thành phố thực hiện dự án Vành đai 3 cũng như nhiều dự án khác - đó là tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện rất nhanh.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TP HCM) nhấn mạnh thủ tục đầu tư còn quá nhiều thủ tục hành chính, làm kéo dài thời gian đầu tư. Ảnh: HỒ LONG
"Bình thường, đây là một trong những giai đoạn rất phức tạp và mất nhiều thời gian nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cũng như chi phí thực hiện dự án" - bà Lệ nói và lưu ý cần quy định một số điều kiện để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí vốn.
Còn theo ĐB Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, qua thực tiễn, thủ tục đầu tư hiện còn quá phức tạp, rườm rà, quá nhiều thủ tục hành chính, làm kéo dài thời gian đầu tư. Bên cạnh đó, một số nội dung chưa quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chưa đồng bộ khiến cho còn nhiều cách hiểu khác nhau. Chính việc này đã tạo ra sự đùn đẩy và tạo ra cơ chế "xin - cho" giữa địa phương và các bộ, ngành; giữa các bộ, ngành với nhau.
Từ những vướng mắc nêu trên, ông Hải đồng ý cao với nội dung sửa đổi luật, làm sao phải phân cấp, phân quyền mạnh từ trung ương tới địa phương với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm". Trên cơ sở đó cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và tháo gỡ được tất cả những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải để đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Ông Hải cũng ủng hộ quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Theo ông, đây là cơ chế đã được quy định trong Nghị quyết 98 và TP HCM cũng đã thực hiện khi triển khai dự án Vành đai 3, Vành đai 4, sắp tới là cao tốc Mộc Bài - TP HCM…
Dù vậy, ông Hải vẫn băn khoăn tiêu chí để giao cho địa phương làm chủ trì, chủ quản ra sao? Giao cho địa phương có nhiều kinh nghiệm hay là có dự án đi qua nhiều? Nếu không khéo sẽ trở thành một cơ chế xin - cho.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM, đồng tình với quy định nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng hiện nay lên 30.000 tỉ đồng trở lên. Đối với dự án nhóm B và nhóm C, bà Tuyết đề nghị không chỉ nâng quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành mà có thể nâng gấp 3 lần.
Không miễn thuế hàng giá trị nhỏ
Sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Có 2 nội dung được quan tâm là áp thuế suất 5% với phân bón và bỏ miễn thuế GTGT với hàng giá trị nhỏ qua sàn thương mại điện tử (TMĐT).
ĐB Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) đồng tình không quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn TMĐT có giá trị nhỏ, vì với sự phát triển của TMĐT, hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn. Nếu tiếp tục miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn bởi tình trạng "xé nhỏ" giá trị đơn hàng để tránh thuế; ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sắp tới Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn TMĐT như Shopee, hay Temu… Việc miễn thuế GTGT đối với hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng là thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo. Hiện nay, các quốc gia khác đã bỏ thuế này, chứng tỏ các nước tham gia công ước đã không thực hiện. Ngoài bãi bỏ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg, sẽ bổ sung vào dự thảo luật, quy định hàng hóa giá trị nhỏ cũng phải nộp thuế.
Về áp dụng thuế GTGT 5% với phân bón, theo Ủy ban Thường vụ QH, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Chính vì vậy, thời gian qua có nhiều kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH xin được giữ như dự thảo luật đã được Chính phủ trình, đó là mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa phân bón.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính "tha thiết đề nghị" ĐB ủng hộ phương án thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Hôm nay (30-10), QH thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31-10 là hơn 355.616 tỉ đồng, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng giao. Ước giải ngân 10 tháng vốn ngân sách trung ương đạt 54,9%, cao hơn cùng kỳ năm 2023, nhưng vốn ngân sách địa phương giải ngân chỉ đạt 50,8%. Trong 10 tháng năm 2024, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân tốt.
Tuy nhiên, có 29/44 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Tỉ lệ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm giao thông cao không đồng đều, một số dự án quan trọng quốc gia, dự án giao thông trọng điểm, liên vùng do địa phương quản lý có tỉ lệ giải ngân thấp. Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt thấp.
Vướng mặt bằng, giải ngân chậm
Nhiều năm nay, vướng mặt bằng là nguyên nhân phổ biến khiến tiến độ giải ngân ở các dự án đầu tư công TP HCM ì ạch. Nhiều công trình trọng điểm đang gặp tình trạng trên, như dự án mở rộng Quốc lộ 50 đến nay mới giải ngân khoảng 85 tỉ đồng trên tổng số vốn đã giao trong năm hơn 445 tỉ đồng (gần 20%). Dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) cũng mới giải ngân hơn 173 tỉ đồng/1.220 tỉ đồng số vốn đã bố trí năm nay (đạt hơn 14%).
Dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến ngày 30-9, UBND quận Tân Bình mới chỉ giải ngân được 21 tỉ đồng/394 tỉ đồng vốn đầu tư dự án (khoảng 5,3%).
Ngoài mặt bằng, trở ngại khác làm chậm tiến độ giải ngân là do thiếu cát san lấp, dẫn đến quá trình thi công ở nhiều dự án bị chững lại.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, tính đến ngày 18-10, tổng số vốn đã giải ngân là 17.041 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao (79.263 tỉ đồng). Có 7 đơn vị có kết quả giải ngân đến hết tháng 9 đạt trên mức bình quân của TP HCM (20,3%) nhưng các đơn vị này lại không đạt tỉ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 849 (phải đạt từ 26,9% trở lên). Đặc biệt, có 11 đơn vị giải ngân dưới mức tỉ lệ giải ngân chung đến hết quý III/2024, cụ thể gồm khối các ban quản lý dự án thành phố: đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%)... Khối các quận, huyện và TP Thủ Đức, gồm huyện Nhà Bè (10,5%), TP Thủ Đức (8,0%), quận 1 (11,6%), quận 10 (8,8%), quận 5 (13,0%)... Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP HCM phê bình 11 đơn vị giải ngân dưới mức tỉ lệ giải ngân chung của thành phố đến hết quý III/2024 (20,2%) và không có nguyên nhân khách quan.
T.Hồng
Văn Duẩn - Minh Chiến