Quang cảnh buổi làm việc
Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Công an, các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Vettel); Ban Giám đốc Sở cùng trưởng, phó các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Sau sáp nhập, Sở Khoa học và Công nghệ có 277 người (nam: 145 người, nữ: 132 người) gồm 110 công chức, 83 viên chức, 59 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ và 25 hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ phục vụ. Trong đó, có 184 đảng viên, 2 tiến sỹ, 48 thạc sĩ, 30 cao cấp chính trị, 87 trung cấp chính trị.
Cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Ban Giám đốc có 8 người, gồm 1 Giám đốc và 7 Phó Giám đốc; 6 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ gồm: Văn phòng, Tài chính, Quản lý khoa học, Quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số, Bưu chính Viễn thông; 4 đơn vị trực thuộc gồm: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Hạ tầng và Công nghệ số, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
6 tháng đầu năm, Sở đãtriển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; kiện toàn tổ chức, bộ máy; tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông và đảm bảo thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh hoạt động thông suốt 24/24.
Thực hiện khảo sát, đo kiểm sóng di động trên 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây; kiểm tra hạ tầng băng rộng cố định đối với 22 thôn, bản không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, đã có điện lưới quốc gia. Triển khai sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ trong các cơ quan; cấp mới cho 1.328 chứng thư số cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn tỉnh. Phổ biến tên miền “.vn” tăng cường hiện diện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng…
Đại diện các phòng chuyên môn đóng góp ý kiến
Đảm bảo hạ tầng, nền tảng số, hệ thống thông tin trong quá trình triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đã triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin dùng chung, liên thông toàn tỉnh và kết nối với các nền tảng quốc gia và kết nối vận hành đến 124 điểm cầu cấp xã; thực hiện điều chuyển thiết bị họp trực tuyến của các xã, phường dôi dư do sáp nhập sang các xã, phường chưa đảm bảo; đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành (mới) cho toàn tỉnh Lâm Đồng mới; đã khai báo hoàn thành cho 140 đơn vị (16 đơn vị cấp tỉnh và 124 phường, xã, đặc khu) với 18.418 tài khoản người dùng.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối liên thông với Dịch vụ Công quốc gia, hệ thống CSDL dân cư, thanh toán trực tuyến, dịch vụ công liên thông, các hệ thống bộ, ngành khác…; thực hiện công khai thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng, phát triển hoàn thiện các nền tảng số, hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành phát biểu đóng góp nhiều ý kiến thiết thực tại buổi làm việc
Phê duyệt 19 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ; theo dõi, quản lý việc thực hiện 88 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Tăng cường các hoạt động quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, năng lượng nguyên tử, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Sản xuất và cung cấp giống cây trồng invitro, bịch phôi nấm, đất sạch, rau, hoa, trái cây; chuyển giao quy trình công nghệ; tổ chức tham quan, trải nghiệm.
Cấp phép hoạt động thiết bị X-Quang cho 25 cơ sở y tế, đào tạo về an toàn bức xạ cho 41 học viên. Thực hiện, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm 33.110 phương tiện đo các loại phục vụ người dân và quản lý nhà nước; thực hiện phân tích, kiểm nghiệm 4.221 mẫu sản phẩm, hàng hóa các loại; đánh giá chứng nhận chất lượng cho 46 cơ sở.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến
Ý kiến của các sở, ngành, các cán bộ, công chức khoa học, công nghệ đã nêu nhiều vấn đề về: Chuyển đổi số gắn liền với đảm bảo an ninh mạng; quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; đảm bảo vận hành thông suốt các hệ thống hạ tầng công nghệ phục vụ chỉ đạo điều hành trong quá trình hợp nhất; phát triển hạ tầng số hiện đại, hướng tới hạ tầng công nghệ số tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện từ chính quyền số đến kinh tế số, xã hội số và công dân số, tạo ra một môi trường số hóa đồng bộ và hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ thời gian qua, cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện sáp nhập, triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, Sở nêu cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ; cần phân công, phân nhiệm rõ ràng, phù hợp với năng lực chuyên môn của từng cán bộ, công chức, viên chức; cần xây dựng quy chế làm việc thống nhất; nhanh chóng thực hiện bàn giao 3 Sở cũ về cơ sở vật chất, tài sản, về nhiệm vụ, con người.
Sở phối hợp với Sở Tài chính hạch toán kinh phí hoạt động để sớm triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ; khẩn trương phối hợp cùng Sở Nội vụ thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát lại các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND, UBND 3 tỉnh trước đây để bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp sau khi sáp nhập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đẩy mạnh chuyển đổi số phải gắn liền với việc đảm bảo an toàn an ninh mạng. Thực hiện rà soát tất cả những lĩnh vực: Họp trực tuyến, chữ ký số, phần mềm quản lý văn bản, trung tâm IOC, dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành của từng sở; hoàn thành Đề án Chuyển đổi số 2026 - 2030 để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Quan tâm chuyển đổi số trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp để quảng bá rộng rãi các điểm đến, các nông sản đặc trưng thế mạnh của tỉnh. Phát triển hạ tầng công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin cho cấp xã, cho các sở, ngành; có kế hoạch, lộ trình đào tạo “Bình dân học vụ số” cho tất cả cán bộ công chức từ cấp xã trở lên.
Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng các sản phẩm hàng hóa do ngành quản lý. Rà soát các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, xem xét đề tài nào cần tiếp tục, đề tài nào nên dừng lại vì không còn phù hợp trong điều kiện sáp nhập.
QUỲNH UYỂN