Sản xuất mứt gừng tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - Ảnh: H.T
Hối hả vào vụ Tết
Từ khoảng tháng 11 âm lịch hằng năm, người dân thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng lại bắt đầu vào vụ làm mứt gừng để kịp thời cung cấp cho thị trường vào dịp Tết. Sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh từ lâu đã trở thành thương hiệu, không chỉ nức tiếng trên địa bàn tỉnh mà cả các thị trường tỉnh bạn bởi vị thơm ngon, cay nồng rất đặc trưng.
Có gần 20 năm kinh nghiệm và uy tín trong nghề làm mứt nên số lượng khách hàng tìm đến đặt mua sản phẩm của cơ sở sản xuất mứt gừng Tuấn Tâm, ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh khá đông. Cũng như mọi năm, những ngày này, ông Hồ Ngọc Tuấn cùng gia đình lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để làm mứt gừng theo đơn đặt hàng.
“Làm mứt gừng phải trải qua rất nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng quan trọng. Sở dĩ, mứt gừng Mỹ Chánh luôn được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn bởi các khâu chế biến đều rất tỉ mĩ, chỉn chu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tuấn cho biết .
Theo Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Văn Sinh, thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về duy trì và phát triển các làng nghề, ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn luôn được địa phương chú trọng triển khai. Đối với làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh, hiện toàn xã có khoảng 12 cơ sở sản xuất mứt gừng có quy mô lớn, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương trong 2 tháng giáp Tết với mức tiền công từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nghề làm bánh lọc Mỹ Chánh với gần 50 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đây cũng là mô hình làng nghề được huyện, xã quan tâm hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong quá trình hội nhập và phát triển.
Còn tại thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, những năm qua, các loại bánh tét, bánh tày, bánh chưng do người dân trong thôn làm ra đã khẳng định được thương hiệu trên khắp cả nước. Từ những hộ sản xuất riêng lẻ đến nay đã thành lập tổ hợp tác có quy mô và thương hiệu riêng, được chứng nhận 3 sao Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh.
Trung bình lượng bánh xuất ra thị trường hằng ngày đạt từ 1.000 đến 2.000 bánh tày, 600 bánh tét và bánh chưng/hộ. Riêng trong dịp tết Nguyên đán, số lượng các đơn hàng đặt bánh cao gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Qua đó, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.
Quan tâm, hỗ trợ các làng nghề
Những năm qua, huyện Hải Lăng đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích phát triển làng nghề theo nhiều loại hình như: hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Đặc biệt, UBND huyện đã rà soát và ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2022-2030. Trong đó, đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện. Nhờ vậy, các hoạt động về tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng.
Đến nay, toàn huyện có 9/11 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và đã tổ chức trao bằng công nhận cho các làng nghề nông thôn.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết: “Các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống mang lại nhiều giá trị cho địa phương, đóng góp 2,3% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện và cải thiện thu nhập cho hàng trăm lao động.
Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND các xã tham mưu UBND huyện định hướng, hỗ trợ đào tạo một số ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Cùng với đó, tích cực đề xuất huyện bố trí nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh của huyện; đồng thời tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề; tăng cường thu hút đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề...”.
Thực tế cho thấy, các làng nghề trên địa bàn huyện Hải Lăng có vai trò quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Lợi ích của việc phát triển làng nghề không chỉ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, huyện Hải Lăng hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn.
Thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về làng nghề, ngành nghề nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và trang trại, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm, huyện sẽ tích cực phối hợp với các cấp, các ngành hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề tham gia các sự kiện, hội chợ, lễ hội trong và ngoài tỉnh để tôn vinh các sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề.
Thu Hạ