Đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền

Đẩy mạnh phát triển y dược cổ truyền
8 giờ trướcBài gốc
Qua 5 năm (2019 - 2024) thực hiện Quyết định số 1893 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y dược cổ truyền (YDCT), ngành Y tế tỉnh đã triển khai và đạt một số kết quả tích cực, phát triển toàn diện YDCT trong các cơ sơ y tế.
Độ bao phủ cao
Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong 5 năm qua, hệ thống khám, chữa bệnh bằng YDCT trong các cơ sở y tế công lập ở tỉnh được củng cố và mở rộng. Cụ thể, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh với quy mô ban đầu 170 giường bệnh, đến nay được nâng lên 270 giường; tất cả các bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến tỉnh và 3 BVĐK tuyến huyện đã có khoa y học cổ truyền; 4 BVĐK tuyến huyện còn lại có tổ y học cổ truyền; hơn 89% trạm y tế xã, phường, thị trấn có khám, chữa bệnh bằng YDCT; 82,5% trạm y tế xã, phường, thị trấn có vườn thuốc nam mẫu. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 178 phòng chẩn trị y học cổ truyền ngoài công lập, các cơ sở hành nghề đều được cấp giấy phép hoạt động và có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Tư vấn, khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Song song đó, công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn dược liệu cũng được ngành Y tế tỉnh chú trọng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 đơn vị, cơ sở nuôi trồng dược liệu là: Công ty TNHH Đông dược Dân Lợi; Công ty Cổ phần Trang trại dược liệu Liên Sơn; Công ty Vạn Hương; Công ty Thiên Nam. Hội đông y các cấp thường xuyên tổ chức hoạt động nhân rộng các bài thuốc quý, kinh nghiệm dân gian trong điều trị YDCT, đến nay đã lưu giữ và phát huy hơn 400 bài thuốc hay.
Để bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục phát triển toàn diện YDCT. Theo đó, đến năm 2030, có 95% BVĐK, bệnh viện chuyên khoa có khoa YDCT; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương có triển khai hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh YDCT. Đồng thời, tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh YDCT tuyến tỉnh đạt 25%, tuyến huyện đạt 30% và tuyến xã đạt 40%; tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc đạt 30%, trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5%...
Cùng với đó, công tác khám, chữa bệnh bằng YDCT ngày càng tăng. Theo đó, tổng số lượt khám và điều trị nội trú bằng y học cổ truyền ở các cơ sở tuyến tỉnh tăng từ 133.000 lượt (năm 2019) lên hơn 202.200 lượt (năm 2024); tuyến huyện từ 29.110 lượt lên 46.760 lượt; tuyến xã từ 201.000 lượt lên gần 320.000 lượt. Cụ thể, năm 2024, tỷ lệ điều trị ngoại trú bằng YDCT tuyến tỉnh chiếm 18% so với tổng số ca điều trị ngoại trú, tỷ lệ điều trị nội trú chiếm 4,3%; tuyến huyện: ngoại trú chiếm 23,4%, nội trú 6,6%; tuyến xã: điều trị ngoại trú chiếm tỷ lệ 24%. Riêng quý I/2025, có gần 156.000 lượt khám và điều trị nội trú bằng y học cổ truyền các cấp. Bà Đào Thị Dinh (58 tuổi, TP. Nha Trang) cho biết, bà mắc bệnh trĩ gần 5 năm, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nên đến khám tại Khoa Y học cổ truyền, BVĐK tỉnh. Tại đây, bà được chẩn đoán mắc trĩ nội độ 3 và được chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêm xơ búi trĩ (kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại). Sau 4 lần được tiêm xơ, búi trĩ teo nhỏ dần và sau đó dứt hẳn. Bà rất bất ngờ vì y học cổ truyền hiện nay đã phát triển, có phương pháp điều trị hay và không đau.
Vẫn còn gặp khó
Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, tại bệnh viện của trung tâm có thành lập Tổ Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng đặt trong Khoa Khám bệnh. Các dịch vụ được triển khai tại tổ gồm: Sắc thuốc, kê đơn vị thuốc y học cổ truyền, điện châm, hào châm, thủy châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ. Nhân lực y học cổ truyền của trung tâm chiếm 1,58% so với tổng số nhân lực chung. Tỷ lệ khám bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trên tổng số khám, chữa bệnh chung tại tuyến huyện chiếm 33,72% (tăng 10,88% so với năm 2019); tuyến xã là 58,04% (tăng 16%). Tuy nhiên, do thiếu nhân lực nên bệnh viện chưa có khoa y học cổ truyền; đối với trạm y tế chưa có biên chế lương y, lương dược hành nghề; chưa có xã nào đạt “Tiêu chí xác định xã tiên tiến về YDCT”.
Không chỉ Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, nhiều cơ sở y tế công lập cũng gặp khó trong phát triển YDCT. Theo đó, khoa, tổ y học cổ truyền ở các cơ sở y tế vẫn chưa thể phát triển các bài thuốc cổ truyền tại địa phương; một số trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh chưa đủ nhân lực ngành y học cổ truyền để phát triển; công tác mua sắm thuốc, vị thuốc y học cổ truyền gặp khó vì không có nhà thầu tham gia; tại các trạm y tế đều xây dựng vườn thuốc nam nhưng quy mô chỉ để làm mẫu cho người dân dễ nhận biết, giới thiệu về công dụng của từng loại cây chứ không đủ dùng để điều trị…
Để phát triển và đạt các chỉ tiêu về YDCT đến năm 2030, ngành Y tế kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tăng cường ngân sách đầu tư phát triển YDCT, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất dược liệu và thuốc y học cổ truyền đạt tiêu chuẩn GACP, GMP-WHO. Bộ Y tế đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y học cổ truyền và nâng cao chất lượng đấu thầu thuốc YDCT; Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đơn giản hóa trong thanh toán và thanh toán đúng hạn cho các cơ sở khám, chữa bệnh.
C.ĐAN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202505/day-manh-phat-trien-y-duocco-truyen-a92532f/