Người dân đã quen với việc giao dịch không dùng tiền mặt.
Thời gian qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực công, dịch vụ hành chính công nhất là các khoản thu, chi đối với tổ chức, cá nhân đều được thực hiện qua các ngân hàng.
Đối với dịch vụ thu thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính cũng thực hiện thanh toán điện tử. Đến nay, tỷ lệ khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng và các kênh thanh toán điện tử chiếm tỷ lệ 94,57% tổng số khách hàng dùng điện trên địa bàn tỉnh; thanh toán tiền nước chiếm khoảng 83% tổng số khách hàng.
Đối với học phí, các ngân hàng thương mại đã phối hợp thu hộ, thanh toán tiền học phí với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũ, thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt.
Theo đó, đã có 155/289 cơ sở giáo dục (đạt 53,63%) mở tài khoản thanh toán trung gian tại các ngân hàng để thực hiện chi trả lương và các khoản phụ cấp, tiền công tác phí và các khoản chi thanh toán cho cá nhân như tiền thưởng, phúc lợi, thu nhập tăng thêm.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã mở tài khoản thanh toán, phục vụ người khám chữa bệnh thanh toán phí dịch vụ.
Đối với dịch vụ chi trả các chương trình an sinh xã hội, sau một thời gian thí điểm triển khai, đến nay, số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản là 4.815 người, chiếm 43% trên tổng số người hưởng lương; chi bảo hiểm xã hội một lần qua tài khoản cho 3.743 người, đạt 90% trên tổng số người hưởng.
Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng phối hợp chi trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân cho 100% số người hưởng; chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội, cho người có công với cách mạng qua tài khoản cho 2.389 người trên tổng số 20.160 đối tượng đang hưởng trợ cấp và ưu đãi.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Kạn.
Bà Đỗ Hạnh Ngân, Trưởng Phòng Quản lý nội bộ Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Kạn, cho biết: Đơn vị đang tích cực triển khai các giải pháp thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp giao dịch nhanh chóng, thuận tiện đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công như thanh toán phí, lệ phí, thanh toán các hóa đơn dịch vụ và ứng dụng công nghệ thanh toán số.
Để đảm bảo hoạt động thanh toán được thông suốt, thuận lợi, tạo niềm tin, hình thành thói quen cho người dân sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến thay thế phương thức thanh toán tiền mặt, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Đồng thời; phát triển các sản phẩm, dịch vụ, hình thức thanh toán mới, hiện đại, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ATM, CDM, POS.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng; tăng cường giám sát hệ thống ATM trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống ATM hoạt động thông suốt, không xảy ra sự cố mất tiền, tài sản, các thắc mắc, khiếu nại được xử lý một cách nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng.
Nguyễn Nghĩa