Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh

Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh
21 ngày trướcBài gốc
Mỗi năm, cả nước có khoảng 300.000 – 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được ghi nhận. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các trường học đã đa dạng các hình thức truyền thông về sức khỏe sinh sản cho học sinh.
Sự cần thiết của việc nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản ở học sinh, sinh viên
Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300.000 – 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19 được ghi nhận, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên.
Còn theo Tổng cục Dân số, dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, song tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai. Một báo cáo bệnh viện trên địa bàn TP.HCM năm 2023 cũng cho thấy, trong gần 43.600 ca sinh và bỏ thai tại bệnh viện, đã có tới 528 ca là trẻ vị thành niên. Nghĩa là cứ mỗi ngày có 1,5 trẻ vị thành niên mang thai đến bệnh viện này để sinh hoặc bỏ thai.
Thực tế, nhiều học sinh vị thành niên còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản và chưa hiểu rõ về những thay đổi của cơ thể. Nội dung giáo dục về giới tính và giới mới chỉ được các ngành liên quan phối hợp tổ chức triển khai ở các hoạt động ngoại khóa. Các môn học cũng mới chỉ cung cấp một số kiến thức cơ bản, nhưng phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết.
Hơn nữa, không ít cha mẹ lại có quan điểm việc chủ động nói chuyện về giới tính tình dục với con trước tuổi trưởng thành là không cần thiết, “vẽ đường cho hươu chạy” vì lớn lên là con sẽ biết. Xã hội hiện đại sẽ dẫn tới những những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đường sinh sản hoặc những bệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén…
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, ở lứa tuổi vị thành niên có nhiều sự thay đổi về tâm lý. Các em thích tò mò, khám phá năng lực bản thân. Điều này cũng dễ dẫn tới các nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục, dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lây nhiễm những bệnh qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS… Chính vì vậy, việc được hướng dẫn, tuyên truyền với lứa tuổi này rất cần quan tâm.
Việc chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và giá trị của mỗi thanh thiếu niên khi các em bước vào đời. Điều này cũng góp phần tới chất lượng dân số của toàn xã hội, chất lượng nguồn nhân lực…
Đa dạng hoạt động truyền thông tại trường học
Thời gian qua, tại nhiều trường THCS, THPT nhiều tỉnh thành đã tổ chức các hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong nhà trường. Những buổi truyền thông được tổ chức với các hình thức đa dạng như: sinh hoạt ngoại khóa kỹ năng sống ở từng lớp, sinh hoạt tìm hiểu về sức khỏe vị thành niên cho toàn trường; cuộc thi tìm hiểu…
Trong những tiết học, sinh hoạt ngoại khóa, nhiều trường đã tích hợp nội dung tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tìm hiểu về phòng chống HIV/AIDS...; tổ chức hội thi, dàn dựng tiểu phẩm sinh hoạt dưới cờ hàng tuần… Những nội dung tuyên truyền này đã giúp cho các em học sinh được trang bị các kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh được những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên – thanh niên, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các buổi nói chuyện, truyền thông về giới và giới tính. Ngày 13/12, Trường THCS Trung Châu phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng tổ chức buổi tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh.
Trong buổi tuyên truyền, những chủ đề như thay đổi tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu; tình dục an toàn, có trách nhiệm; có thai và phá thai ở tuổi vị thành niên… được các em mạnh dạn đặt câu hỏi và được các chuyên gia giải đáp sôi nổi. Cán bộ Chi cục Dân số và KHHGĐ đã phân tích, giải thích những băn khoăn và hướng tới gợi mở các hành vi tích cực cho các em học sinh. Qua đây góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trên địa bàn.
Tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đã thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính và bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia vào chương trình giảng dạy. Nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản được dạy trong tiết học Kỹ năng sống ở khối 6, 7,8.
Nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm tổ chức hoạt động truyền thông với chủ đề chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các lớp. Đồng thời, cán bộ phòng tham vấn học đường tổ chức các hoạt động truyền thông và trực tiếp tư vấn, giải đáp những thắc mắc của học sinh về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên...
Các chuyên gia dân số nhấn mạnh, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, lồng ghép trong các chương trình giáo dục, các dịch vụ CSSKSS vị thành niên, thanh niên cần được triển khai có hiệu quả, kịp thời. Điều này sẽ trang bị cho các em những kỹ năng đầu đời, khả năng xử lý tình huống để phòng tránh và hạn chế những tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra, có cuộc sống lành mạnh.
PV
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/day-manh-to-chuc-tuyen-truyen-suc-khoe-sinh-san-vi-thanh-nien-cho-hoc-sinh-post712368.html