Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử (BAĐT); liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông, liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9-2025. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngành Y tế tỉnh đang tăng tốc triển khai BAĐT. Trước mắt, tại các bệnh viện tư nhân trên toàn tỉnh chủ động triển khai trước, tiếp đến là các đơn vị y tế công lập, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Nỗ lực triển khai bệnh án điện tử
Theo dự kiến, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai BAĐT. Qua thẩm định, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Theo đó, Bệnh viện đã đầu tư xây dựng hạ tầng mạng, nâng cấp hệ thống mạng LAN, wifi đường truyền internet, máy chủ chuyên dụng... Bệnh viện đã trang bị phòng máy chủ, thiết bị tường lửa chuyên dụng, thiết bị chuyển mạch lỗi dự phòng, thiết bị lưu trữ hình ảnh (PACS), thiết bị lưu trữ BAĐT (EMR) và hệ thống sao lưu dự phòng.
Ngoài ra, Bệnh viện còn trang bị hoàn chỉnh BAĐT gồm: hoàn thiện các module chức năng theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT, Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế; hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại cho bác sĩ điều dưỡng và khách hàng; thực hiện số hóa các giấy tờ đi kèm với hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, đơn vị triển khai các nội dung nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các hoạt động. Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cũng triển khai ký số, ký điện tử cho 319 cán bộ, nhân viên.
Qua thẩm định, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã đủ điều kiện để triển khai thực hiện bệnh án điện tử. Ảnh: N.N
Về mức ứng dụng công nghệ thông tin của nhóm tiêu chí hạ tầng theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã đáp ứng mức 7, nhóm tiêu chí hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) đạt mức 6.
Ông Phạm Văn Học-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai-cho biết: Bệnh viện luôn chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Việc triển khai BAĐT được đơn vị chú trọng, chuẩn bị các điều kiện để triển khai với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám-chữa bệnh hướng đến BAĐT, bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và giúp cho công việc khám-chữa bệnh khoa học, công khai, minh bạch. Nếu được Bộ Y tế thông qua, Bệnh viện cam kết sẽ triển khai hiệu quả BAĐT và cùng đồng hành với y tế địa phương phục vụ, chăm sóc sức khỏe người dân một cách toàn diện.
Vẫn còn khó khăn, vướng mắc
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Quý Tường-Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, BAĐT được xem là bước đột phá trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Lợi ích đầu tiên của BAĐT là giúp bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ như: sổ y bạ, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, phim chụp, đơn thuốc… Khi tái khám, bệnh nhân không cần mang theo hồ sơ bệnh án vì tất cả thông tin đều được lưu trên hệ thống phần mềm. Đồng thời, người bệnh được đăng ký khám và nhận kết quả nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi và chủ động theo dõi quá trình điều trị một cách công khai, minh bạch.
Triển khai BAĐT là một trong những nội dung trong Đề án 06. Xác định lợi ích thiết thực của BAĐT, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực y tế. Theo đó, ngành tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 của Sở Y tế để kịp thời tham mưu và tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả theo đúng lộ trình đề ra.
“Riêng về việc triển khai BAĐT, Sở Y tế đã có công văn đề nghị các đơn vị (có giường bệnh) rà soát, sắp xếp, ưu tiên nguồn lực, triển khai hồ sơ BAĐT, hoàn thành đúng lộ trình theo chỉ đạo của Bộ Y tế”-Giám đốc Sở Y tế Lý Minh Thái thông tin.
Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử. Ảnh: N.N
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tất cả bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành triển khai BAĐT trong tháng 9-2025. Do vậy, thời gian để triển khai thực hiện chỉ còn khoảng 4 tháng, trong khi đó, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Ông Lê Sỹ Cẩn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-nêu thực trạng: Hiện nay, cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị công nghệ thông tin (phần cứng) đã cũ, không đảm bảo vận hành phần mềm mới. Máy chủ hiện có không đủ dung lượng lưu trữ và khả năng xử lý. Hạ tầng mạng nội bộ không đồng bộ, kết nối internet không ổn định. Trung tâm Y tế thành phố chưa được đầu tư thiết bị bảo mật (tường lửa, phần mềm chống vi rút). Ngoài ra, hệ thống sao lưu dữ liệu yếu, dẫn đến nguy cơ mất dữ liệu y tế.
Về triển khai BAĐT tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku, tổng kinh phí cho giai đoạn 2025-2029 là gần 8,4 tỷ đồng, trong đó, kinh phí năm 2025 là gần 1,4 tỷ đồng. “Hiện nay, Trung tâm Y tế TP. Pleiku là đơn vị tự chủ nhóm 2 nên rất khó bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng phần cứng. Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 5-5-2025 của UBND tỉnh thống nhất phân bổ kinh phí cho Trung tâm gần 1,4 tỷ đồng có ghi chú “Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin”.
Đơn vị chưa rõ khoản kinh phí này có được sử dụng để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hay chỉ để đầu tư phần mềm. Do đó, đề nghị Sở Y tế hướng dẫn thêm nội dung kinh phí gần 1,4 tỷ đồng của Quyết định số 432/QĐ-UBND, cho phép đơn vị sử dụng kinh phí này để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị phần cứng nhằm vận hành phần mềm BAĐT trong năm 2025”-ông Cẩn đề xuất.
Còn ông Vũ Chí Hùng-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho hay: “Qua khảo sát ban đầu, kinh phí cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị công nghệ thông tin (phần cứng) tại đơn vị khoảng 2,2 tỷ đồng và thuê phần mềm hàng năm là 300 triệu đồng. Qua thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế và thực hiện Đề án 06, các hoạt động của đơn vị hầu hết đều đã số hóa, giảm bớt thủ tục hành chính trên giấy… Vì vậy, nếu được đầu tư phần cứng thì chúng tôi sẽ thuận lợi triển khai BAĐT”.
Ngoài khó khăn về kinh phí đầu tư, hầu hết các đơn vị đều mong muốn Sở Y tế có kế hoạch chung trong việc triển khai BAĐT để các đơn vị triển khai một cách thống nhất, đồng bộ.
NHƯ NGUYỆN