Đẩy mạnh triển khai các dự án lớn về kết nối các nền kinh tế Việt Nam - Lào, Việt Nam - Lào - Campuchia

Đẩy mạnh triển khai các dự án lớn về kết nối các nền kinh tế Việt Nam - Lào, Việt Nam - Lào - Campuchia
3 giờ trướcBài gốc
Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Về phía Việt Nam, tháp tùng Thủ tướng trong buổi hội kiến còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng một số lãnh đạo các bộ, ngành...
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong không khí hết sức tin cậy, chân thành và cởi mở, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được một lần nữa hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith kể từ sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 (Vientiane, 8/10/2024).
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 44-45 và Đại hội đồng liên Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 45; khẳng định thành công của các sự kiện này đã khẳng định Lào là thành viên có trách nhiệm và có tiếng nói ngày càng quan trọng trong cộng đồng quốc tế, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Lào cao nhất trong điều kiện có thể để giúp Lào vượt qua các thách thức, khó khăn hiện nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith một lần nữa gửi lời chúc mừng nhiệt liệt tới Chủ tịch nước Lương Cường; bày tỏ mong muốn được sớm đón Chủ tịch nước Lương Cường thăm cấp Nhà nước tới Lào.
Đồng chí Thongloun Sisoulith cũng bày tỏ chân thành cảm ơn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình và toàn diện của Việt Nam dành cho Lào trong đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào luôn trân trọng và ghi nhớ sự hỗ trợ vô tư, trong sáng của Việt Nam dành cho Lào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như phát triển đất nước ngày nay.
Hai nhà lãnh đạo thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước; bày tỏ vui mừng chứng kiến sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước nhằm triển khai các kết quả Cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào (tháng 9/2024) cũng như các thỏa thuận, cam kết hợp tác đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan của hai nước đẩy mạnh triển khai các dự án lớn về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào, cũng như kết nối ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hai nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định tiếp tục củng cố tình đoàn kết, gắn bó Việt Nam - Lào - Campuchia; nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để lan tỏa tình đoàn kết giữa ba dân tộc, ba Đảng, ba nước; khẳng định luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, coi đây là tài sản vô giá, ưu tiên hàng đầu và là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước, cần gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.
*Thông tin thêm:
Hai nước Việt Nam - Lào có chung đường biên giới dài đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của cả hai nước, với 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, cùng 27 lối mở và 9 Khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào được Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển trong nhiều năm qua.
Hợp tác kinh tế trở thành nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước và đang trên đà phát triển hiệu quả hơn. Việt Nam luôn nằm trong Top 3 đối tác thương mại lớn nhất của Lào nhiều năm qua.
Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại hai nước, ngày 8/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài. Cùng với đó, Hiệp định cũng hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Nhờ “sức bật” từ Hịnh định mới này, trong 8 tháng năm 2024, thương mại hai nước Việt Nam - Lào đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt được những kết quả vô cùng ấn tượng. Số liệu từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào đạt 1,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 429,5 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 915,2 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Các mặt hàng chính xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào tập trung vào sản phẩm hóa chất (đạt 47,7 triệu USD, tăng 1560,6%); xăng dầu (đạt 45,7 triệu USD, tăng 19,6%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (đạt 35,8 triệu USD, tăng 32,9%); sản phẩm từ sắt thép (đạt 32,2 triệu USD, tăng 22,4%); phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 27,6 triệu USD, giảm 6,5%)...
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào sản phẩm cao su (đạt 140,7 triệu USD; tăng 31,6%); than đá (đạt 93,5 triệu USD, giảm 25,1%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 65,4 triệu USD, giảm 3,8%); phân bón các loại (đạt 62,1 triệu USD, giảm 5,7%; quặng và khoáng sản khác (đạt 50,8 triệu USD, tăng 23,6%)...
Về hợp tác đầu tư, tính đến nay doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 245 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, với nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sửa…
Nhận định đánh giá về dư địa, cũng như tiềm năng mở rộng không gian hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên cơ sở của mối quan hệ thương mại tích cực giữa hai nước. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng công nghiệp và xây dựng...
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thủ đô Viêng-Chăn, Lào từ 8-11/10/2024, tại buổi gặp gỡ, làm việc với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Lào rất đặc biệt. Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, song quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vẫn tiếp tục phát triển hết sức tốt đẹp; quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Trong quan hệ Việt Nam - Lào, quan hệ chính trị là nòng cốt, đồng thời phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực và các lĩnh vực khác, góp phần củng cố, vun đắp cho quan hệ Việt - Lào ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước” - Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị, các cơ quan đại diện cần tập trung thúc đẩy trong hợp tác kinh tế song phương; tăng cường kết nối doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, đầu tư; thúc đẩy triển khai thật tốt các dự án đã có, hoàn thành dứt điểm các dự án đang làm, với các dự án sắp tới phải theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Từ 23-24/10/2024, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng diễn ra tại thành phố Kazan, Nga. Đây là Hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các thành viên BRICS và lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, bao gồm các nước đang phát triển ở các châu lục và một số tổ chức quốc tế.
Theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng cùng các hoạt động liên quan. Đi cùng Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Bộ...
Khánh An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/day-manh-trien-khai-cac-du-an-lon-ve-ket-noi-cac-nen-kinh-te-viet-nam-lao-viet-nam-lao-campuchia-354382.html