Từ năm 2020 đến hết quý I/2025, Lâm Đồng có hàng ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm ưu thế với 1.482 người, Đài Loan 343 người, Hàn Quốc 118 người...
Lao động ở Lâm Đồng ra nước ngoài chủ yếu thuộc nhóm lao động phổ thông, đa phần có tinh thần làm việc tích cực, tuân thủ pháp luật nước sở tại, được chủ sử dụng đánh giá cao về ý thức, năng lực và thái độ.
Lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia trao trả người nhập cảnh trái phép cho Công an tỉnh Lâm Đồng.
Lượng kiều hối mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, không chỉ giúp hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, tiêu dùng nội địa và ổn định xã hội. Xuất khẩu lao động không chỉ là giải pháp thoát nghèo mà đang trở thành “bàn đạp” để người dân vươn tới một cuộc sống tốt hơn.
Việc quản lý người lao động sau xuất cảnh cũng được chú trọng. Các địa phương rà soát, báo cáo hàng năm danh sách người lao động hết hạn hợp đồng, vận động họ về nước đúng thời hạn để giữ uy tín cho địa phương và bảo vệ cơ hội cho những người đi sau. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra nước ngoài hợp pháp, tỉnh Lâm Đồng còn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo hộ công dân. Giai đoạn 2020–2025, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ đưa 3 trường hợp lao động gặp nạn (2 tử vong, 1 bệnh thần kinh) về nước an toàn, hỗ trợ thân nhân 80 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Ngoài ra, các đơn vị chức năng còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, cảnh báo người lao động cư trú bất hợp pháp ở các nước, nhất là Hàn Quốc - thị trường có số lượng vi phạm cao nhất với 39 trường hợp.
Thời gian qua, công tác quản lý người nước ngoài vào làm việc, cư trú tại khu vực phía tây tỉnh cũng được đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2020 – 2025, có trên dưới 1.000 lượt người nước ngoài được cấp phép lao động ở Lâm Đồng. Lao động nước ngoài phần lớn là chuyên gia, kỹ thuật viên làm việc trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: năng lượng tái tạo, khoáng sản, điện gió, luyện kim... Tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp giám sát, hậu kiểm, không để các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài vi phạm quy định về cư trú, an ninh, trật tự.
Các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý hàng chục trường hợp người nước ngoài cư trú, lao động trái phép; nhập cảnh trái phép, đồng thời trao trả 47 trường hợp công dân Việt Nam được phía Campuchia bàn giao, chủ yếu là các trường hợp đi lao động tự do hoặc vượt biên trái phép.
Công tác phối hợp giữa Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan ngoại giao, cũng như lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia được duy trì thường xuyên, qua đó kiểm soát tốt tình hình biên giới, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn người, tổ chức môi giới đưa người xuất nhập cảnh trái phép.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự đã giúp tỉnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý di cư góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, đặc biệt là người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các hành vi vi phạm như môi giới trái phép, xuất cảnh không hợp pháp từng bước được kiềm chế, giảm rõ rệt.
Đức Hùng