Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả chế biến

Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả chế biến
7 giờ trướcBài gốc
Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam bùng nổ với doanh thu lên tới 7,12 tỷ USD và bước sang năm 2025 với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, số liệu quý I/2025 cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ, chỉ đạt 1,164 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2024 và giảm tới 22,7% so với quý IV/2024.
Theo báo cáo từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), thị trường châu Á hiện chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 59,5%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I/2025 chỉ đạt 512,2 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2024 – mức giảm sâu chưa từng thấy trong hơn một năm qua. Đây chính là nguyên nhân chủ đạo khiến toàn ngành rau quả bị “hụt hơi”, khi riêng Trung Quốc đã chiếm gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Một điểm đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh ở nhóm trái cây chủ lực, đặc biệt là sầu riêng, mặt hàng đóng góp tới 3,3 tỷ USD trong năm 2024, tương đương 46% giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Dù vậy, trong bức tranh ảm đạm của xuất khẩu rau quả, vẫn nổi lên những điểm sáng, đó là xuất khẩu trái cây chế biến tiếp đà tăng trưởng. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam là nguồn cung hàng trái cây chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2024. Ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác như xoài, dừa, mít, chuối… đang được mở rộng đầu tư chế biến để tận dụng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các phương pháp bảo quản mới như đông lạnh, sấy khô, đóng hộp… cũng đang được ứng dụng rộng rãi để gia tăng giá trị và kéo dài vòng đời sản phẩm, mở thêm cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Mặt khác, đối với khu vực thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu thì việc xuất khẩu các sản phẩm rau quả chế biến sâu còn giúp tránh rủi ro trong quá trình vận chuyển sản phẩm tươi do khoảng cách địa lý khá xa.
Các chuyên gia nhận định, để tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, ngành rau quả cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời chuẩn hóa chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là với các sản phẩm chiến lược như sầu riêng, thanh long và chuối.
Thực tế, dù đã hiện diện tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rau quả Việt Nam đang đối mặt với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường. Trong khi đó, năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và tổ chức sản xuất theo chuỗi của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà quản lý - hiệp hội ngành hàng.
Do đó, để ngành rau quả đạt được kết quả như mục tiêu đặt ra, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, ngành rau quả cần sản xuất theo chuỗi liên kết, đáp ứng các quy chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, ngành rau quả Việt Nam cần một bước chuyển căn cơ, toàn diện với sự vào cuộc mạnh mẽ của của cả khối công và khối tư. Trong đó, cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cơ quan quản lý; tăng cường kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến, và triển khai các chương trình giám sát dư lượng hóa chất nông nghiệp.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/day-manh-xuat-khau-rau-qua-che-bien-10306094.html