Giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho học sinh
Rèn luyện phẩm chất
Trường THPT Vinh Xuân (Phú Vang) có hơn 1.000 học sinh. Đầu mỗi năm học, nhà trường và Đoàn Thanh niên tổ chức hoạt động sinh hoạt công dân – học sinh để giáo dục pháp luật, phổ biến nội quy và những quy tắc ứng xử trong nhà trường. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của học sinh, tạo động lực, mục tiêu để các em sống có trách nhiệm, nỗ lực vươn lên trong học tập, chung tay xây dựng văn minh học đường. Nhà trường có các câu lạc bộ kỹ năng sống, văn nghệ, thiên văn, tiếng Anh… tạo sân chơi lành mạnh, môi trường để học sinh rèn luyện những kỹ năng cần thiết, cách ứng xử phù hợp. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, các chương trình phát thanh.
Ông Nguyễn Công Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Xuân cho hay, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động; tạo môi trường học tập thân thiện, an toàn, nơi học sinh có thể thảo luận về các giá trị đạo đức và lối sống, không bị áp lực hay đánh giá tiêu cực. Nhà trường cũng đẩy mạnh sự phối hợp giữa trường học, gia đình và cộng đồng trong công tác này; chú trọng việc đánh giá và rút kinh nghiệm về chất lượng các hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; kịp thời lan tỏa những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực...
Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc) xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đoàn trường đã xây dựng khung hoạt động chương trình năm học, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống. Để giáo dục tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống cho học sinh, Đoàn Trường THPT An Lương Đông phát động 100% học sinh tham gia hội thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh phong trào Chủ nhật xanh, làm vệ sinh và dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Lộc An, Nhà lưu niệm Đại tướng Lê Đức Anh. Hàng năm, Đoàn trường duy trì 2 hoạt động thiện nguyện “Thu yêu thương” và “Xuân yêu thương” ở các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa với các hoạt động quyên góp, bán giấy vụn để gây quỹ.
Anh Lê Văn Thiện, Bí thư Đoàn Trường THPT An Lương Đông chia sẻ, thông qua các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt về ý thức, tinh thần trách nhiệm của học sinh. Học sinh chấp hành tốt nội quy, nề nếp của nhà trường; tình trạng bạo lực học đường hầu như không có. Các phong trào của trường được học sinh tham gia tích cực, hiệu quả, nhất là các hoạt động thiện nguyện, các hội thi... Trong học kỳ 1, Đoàn trường tổ chức 18 đợt Chủ nhật xanh làm sạch khuôn viên nhà trường, tất cả các lớp duy trì hoạt động trường học xanh - sạch - đẹp, khuôn viên của trường luôn chỉn chu, gọn gàng.
Tích hợp vào các môn học
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc hình thành phẩm chất cho học sinh là một trong những mục tiêu quan trọng. Tại hội nghị tập huấn nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, cán bộ Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhấn mạnh, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ thường xuyên, giữ vai trò quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược trong các nhà trường; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cân bằng việc “dạy chữ” và “dạy người” theo định hướng phát triển năng lực người học.
Trong nhà trường, giáo dục đạo đức là một bộ phận cấu thành trọng yếu của quá trình giáo dục rèn luyện nhân cách học sinh. Các trường học luôn xác định, việc “dạy chữ” phải kết hợp với “dạy người” nhằm rèn luyện học sinh trở thành con người phát triển toàn diện. Nội dung giáo dục mang tính hiện đại nhưng không tách rời các giá trị đạo đức của dân tộc, xây dựng ý thức kỷ luật, hình thành kỹ năng sống phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Từ đó, mới thu hút được học sinh, tạo động lực cho các em thực hành, vận dụng các giá trị đạo đức vào xây dựng lý tưởng, lối sống và khát vọng cho bản thân.
Theo ông Nguyễn Công Nam, vai trò của giáo viên trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh rất quan trọng. Giáo viên phải là tấm gương bằng chính những ứng xử đúng đắn trong cách sống và làm việc hàng ngày. Tấm gương tự học, tự hoàn thiện của các thầy cô chính là nguồn cảm hứng cho sự đổi thay, hoàn thiện của học sinh. Nhiều giáo viên của trường đã có những đổi mới trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Một trong những giải pháp quan trọng là tích hợp giáo dục tư tưởng và đạo đức vào các môn học; sử dụng ví dụ thực tiễn, những câu chuyện liên quan đến cuộc sống của học sinh để truyền đạt giá trị đạo đức, tư tưởng trong các bài giảng hàng ngày; tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào các thảo luận, tranh luận về các vấn đề đạo đức và xã hội… Từ đó, hình thành và rèn luyện các phẩm chất, năng lực được xác định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, góp phần định hình, phát huy những phẩm chất cần thiết, tốt đẹp của nhân cách con người cho mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bài, ảnh: MINH HIỀN