Đây là một trong 6 nhiệm vụ cụ thể được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm 2025 tại phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đầu tuần này. Đặc biệt, Tổng Bí thư đề nghị, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vì “níu kéo lợi ích” mà cố tình chậm trễ, dây dưa không thực hiện chuyển đổi số để ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 7/7/2025. Ảnh: TTXVN
Đã tinh gọn trên 31.400 đầu mối các cấp, tiết kiệm được nguồn lực rất lớn
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2025, mặc dù phải triển khai cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, song công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không “chững lại”, “chùng xuống”, mà ngược lại, tiếp tục được triển khai quyết liệt, bài bản, với nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả rõ rệt; góp phần tăng cường, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Trong đó, nổi bật là cả hệ thống chính trị đã tập trung cao độ thực hiện đột phá về xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật với nhiều chủ trương, quan điểm mới, vừa phục vụ các nhiệm vụ chiến lược, vừa khắc phục những sơ hở, bất cập, chuyển mạnh trọng tâm sang phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 230 tổ chức đảng và 7.235 đảng viên; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 11 cán bộ diện Trung ương quản lý. Ngành thanh tra, kiểm toán đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm và các chuyên đề, vụ việc Ban Chỉ đạo giao.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 9.533 tỷ đồng và 617 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định. Nhất là, Thanh tra Chính phủ chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy 3 tháng đã hoàn thành thanh tra, kiến nghị xử lý nhiều sai phạm tại 2 dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức theo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương đã đầu tư nhiều công sức, trong thời gian ngắn hoàn thành sửa đổi, bổ sung, ban hành khối lượng lớn các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách trong sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, phục vụ công tác tổ chức đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, đồng thời tạo “cú hích” mới cho công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đến nay, các nhiệm vụ về thể chế cơ bản bảo đảm tiến độ theo Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo đã đề ra. Từ đầu năm đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Quốc hội đã ban hành mới 38 luật, 45 nghị quyết; Chính phủ ban hành trên 300 nghị quyết, nghị định, chỉ thị… để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng. Nhiều chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước được ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị cũng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng tham dự Phiên họp thứ 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: TTXVN
Qua sắp xếp, cả hệ thống chính trị đã tinh gọn tổng số trên 31.400 đầu mối các cấp, đồng nghĩa sẽ tiết kiệm được nguồn lực rất lớn. Giai đoạn 2026 - 2030, chỉ tính riêng chi cho lương và định mức chi phí hành chính, dự kiến sẽ tiết kiệm khoảng 190.500 tỷ đồng, bình quân giảm khoảng hơn 38.000 tỷ đồng/năm, chưa kể chi phí liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, các hoạt động có tính chất trung gian và các chi phí khác.
Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thành tổng kiểm kê các công trình, trụ sở, tài sản công để bố trí, sử dụng, xử lý phù hợp, hiệu quả, tránh để thất thoát, lãng phí; sắp xếp, số hóa hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ án, vụ việc và công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử để quản lý, phục vụ tiếp tục xử lý, không để thất lạc, “chìm xuồng”.
Một điểm mới nổi bật được Ban Chỉ đạo đánh giá, đó là đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số cả trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước các cấp, nhất là tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống dữ liệu số, triển khai quản lý, quản trị, điều hành và phục vụ trên môi trường số. Qua đó, tiết kiệm rất lớn thời gian, nhân lực, hạn chế tham nhũng, tiêu cực và phục vụ hữu hiệu cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cụ thể, vừa qua đã ứng dụng công nghệ, triển khai lấy ý kiến toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp trên nền tảng VNeID, rất thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm; ứng dụng công nghệ ngay trong quá trình xử lý vụ án Vạn Thịnh Phát thông qua việc gửi thông báo thi hành án trên VNeID. Nếu thực hiện theo cách truyền thống thì có lẽ chưa thể làm được ngay những việc này.
Khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Với dấu mốc 1/7/2025, khi chính quyền các địa phương sau sắp xếp chính thức vận hành mô hình 2 cấp, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động của bộ máy mới đặt ra rất nhiều nhiệm vụ tiếp tục phải giải quyết. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới, những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách phải làm ngay. Vì vậy, tại phiên họp thứ 28, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phải tập trung triển khai thực hiện 4 yêu cầu và 6 nhiệm vụ cụ thể.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng thông tin về kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chiều 7/7/2025. Ảnh: N. Vũ
Một trong 4 yêu cầu đó là, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp - làm quyết liệt ngay từ đầu, ngay từ khi bắt đầu vận hành - góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Trong số 6 nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, phảităng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ và tình trạng nhũng nhiều, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng đã phối hợp phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận (6 tháng đầu năm đã khởi tố mới 1.776 vụ/4.038 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ).
Đặc biệt, đã chủ động nhận điện, phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh với quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết, móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước.
Ví dụ như vụ sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả của Công ty MediPhar và Công ty MEDIUSA, ngoài khởi tố các đối tượng trong doanh nghiệp, đã khởi tố một số cán bộ, công chức Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về hành vi nhận hối lộ; vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội; vụ sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả ở Thanh Hóa…).
Sau hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, các xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phạm vi quản lý của các địa phương lớn hơn, được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn, nhất là cấp xã được phân cấp, phân quyền giải quyết nhiều công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Do vậy, phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực ở địa phương, đặc biệt là ở cấp xã, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản công sau sắp xếp tỉnh, xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, có phương án xử lý đối với các trụ sở công dôi dư, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tránh để lãng phí.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, chủ động xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới. Đối với các địa phương mới hợp nhất, sáp nhập phải nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Toàn cảnh cuộc làm việc, thông báo kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chiều 7/7/2025. Ảnh: N. Vũ
Tổng Bí thư yêu cầu, phải tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; bảo đảm chính quyền 3 cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời là công cụ, giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. "Khi tất cả các hoạt động được công khai, minh bạch, được giám sát thường xuyên bằng dữ liệu thì mục tiêu “không thể” tham nhũng, tiêu cực mới có thể thực hiện được". Nhấn mạnh như vậy, Tổng Bí thư yêu cầu người đứng đầu các cấp phải trực tiếp chỉ đạo công tác này. Các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống chính trị; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vì “níu kéo lợi ích” mà cố tình chậm trễ, dây dưa không thực hiện chuyển đổi số để ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả hệ thống chính trị.
Lam Giang