Công nhân thi công cầu Nhơn Trạch, Dự án Thành phần 1A kết nối Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: P.Tùng
Trong đó, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng để sớm tháo gỡ điểm nghẽn.
Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tốc độ phát triển GRDP vùng ĐNB năm 2024 ước đạt 6,38%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 6,8-7%), đứng thứ 4 so với 6 vùng kinh tế. Thực tế hiện nay, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu đất đắp, cát… chưa đáp ứng nhu cầu.
Cùng với đó, nguồn lực triển khai các dự án còn khó khăn, nhất là các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Không huy động đủ nguồn lực để thực hiện toàn bộ các công trình, dự án, mà cần phân kỳ đầu tư trong các kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau.
Thúc đẩy các dự án liên kết vùng
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, bên cạnh các dự án đang triển khai xây dựng, hiện các tỉnh, thành vùng ĐNB cũng đang tiến hành các thủ tục đầu tư đối với các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng mới.
Trong đó, đối với Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đối với các dự án đường cao tốc: Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Chơn Thành - Gia Nghĩa; Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đều đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Trong đó, Dự án Xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước đã được phê duyệt quyết định đầu tư và có thể triển khai ngay khi được giao vốn kế hoạch năm 2025. Các dự án còn lại đang được UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư để triển khai trong năm 2025.
Đối với Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm chủ đầu tư, chia ra các dự án thành phần, tách dự án thành phần của tỉnh Bình Dương ra làm trước.
Với Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, Đồng Nai nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối vùng nên tập trung tối đa nguồn lực triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai có 4 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai xây dựng gồm: Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Với Dự án Sân bay Long Thành, đến nay, Đồng Nai đã bàn giao toàn bộ mặt bằng thực hiện dự án cũng như mặt bằng thi công 2 tuyến giao thông kết nối sân bay. Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dù gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng và thi công Dự án Thành phần 1. Đồng Nai cam kết sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trong năm 2024.
Tương tự, Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12-2024 và hoàn thành thi công xây dựng vào cuối tháng 4-2026.
Riêng Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tỉnh đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Cùng với đó, tỉnh đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng Điều phối vùng ĐNB, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương rà soát, thúc đẩy các dự án liên kết vùng và kết nối Sân bay Long Thành, trong đó có kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành thủ tục trong quý I-2025 để khởi công xây dựng đường bộ cao tốc Bình Phước - Đắk Nông; Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối với Cảng Thị Vải - Cái Mép, Cảng Cần Giờ. Thủ tướng cũng nhất trí xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Thuận theo hình thức hợp tác công tư, triển khai xây dựng quy mô 8 làn đường…
Phạm Tùng