Mặt bằng trống cũng khó xây
Thành phố hiện có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó 16 chung cư có kết quả kiểm định cấp D (hư hỏng nặng) cần tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Thực tế, người dân muốn di dời vì sợ hiểm nguy, chính quyền cũng muốn xây chung cư hiện đại, nhưng khi triển khai lại quá khó khăn.
Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) đang chờ chính sách di dời để cải tạo lại chung cư
Lô A, B, C, chung cư Vĩnh Hội (phường 9, quận 4) được xây trước năm 1975, có quy mô 4 tầng với 244 căn hộ và có kết quả kiểm định cấp D từ năm 2017. Quận đã có kế hoạch từ cuối năm 2019, nhưng việc di dời người dân ra khỏi chung cư hiện chưa hoàn thành. Từ đầu năm 2025, đã có hàng chục sự cố vỡ tường, rớt bê tông,… khiến nhiều hộ dân bất an. Bà Phạm Thị Kim Hường, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 6, phường 9, quận 4, cũng là cư dân tại đây, cho biết, sở dĩ cư dân vẫn bám trụ nơi đây vì không có nhiều lựa chọn chỗ tạm cư.
Hơn 3 năm qua, lô IV và lô VI, Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã được tháo dỡ hoàn toàn để thực hiện dự án xây mới. Dự án khi hoàn thành sẽ làm nơi tái định cư cho các lô chung cư còn lại đang bị xuống cấp. Tuy nhiên, chủ đầu tư (Công ty CP Phát triển nhà Thanh Đa) vẫn chưa triển khai, đến nay dự án đã quá hạn thực hiện (năm 2020, dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận đầu tư giai đoạn 1). Trước tình trạng trên, Sở Xây dựng đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao Sở Xây dựng tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ điều chỉnh tiến độ dự án giai đoạn 1 để tham mưu UBND TPHCM xem xét theo quy định tại Nghị định số 98/2024/NĐ-CP. Đồng thời, giao UBND quận Bình Thạnh hướng dẫn chủ đầu tư kiểm định lại các lô chung cư còn lại; lập và phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư bổ sung.
Sớm thêm cơ chế gỡ vướng
Về tình trạng cải tạo chung cư Vĩnh Hội, mới đây tại buổi họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 4, thông tin, đến nay có 96 hộ dân đồng thuận di dời, còn 136 hộ chưa đồng ý vì vị trí nhà tạm cư ở xa trung tâm, ảnh hưởng đến công việc và việc học của con em. Một số hộ liên quan đến tranh chấp, chuyển nhượng hoặc thừa kế khiến công tác xác minh, xử lý còn chậm…
Chung cư Vĩnh Hội (phường 9, quận 4) xuống cấp trầm trọng
“UBND quận 4 sẽ tiếp tục vận động, tổ chức cho người dân xem trực tiếp các căn hộ tái định cư để tăng tính đồng thuận. Quận 4 đang trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án xây dựng lại chung cư Vĩnh Hội, nhằm đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Lý giải những vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho hay, chủ trương của thành phố khi triển khai thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chủ yếu là huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Chính phủ đề ra cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia thông qua việc tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, do các chung cư cũ nằm trong nội thành nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân số hiện hữu của khu vực.
“Các chung cư xây dựng trước năm 1975 chưa có chủ đầu tư, thành phố sẽ bố trí ngân sách tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500; lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo để thực hiện phá dỡ, xây dựng mới lại nhà chung cư. Đối với các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ đã có chủ đầu tư, thành phố sẽ tập trung giải quyết, hỗ trợ cho chủ đầu tư để đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng, sớm khởi công hoàn thành xây dựng lại nhà chung cư”.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM
Đồng thời, việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000, 1/500 gặp vướng, khó khăn kéo dài, nên chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó mời gọi nhà đầu tư... Thực tế có một số chung cư cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ (dưới 1.000m2), nên khi xây mới chung cư không đảm bảo cân đối việc tái định cư cho người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp, nên khó mời nhà đầu tư tham gia. Đối với các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ đã có chủ đầu tư, trong quá trình thực hiện đã gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ di dời.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 98/2024 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự thủ tục đầu tư, cơ chế ưu đãi khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, có nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư, ví dụ như: chủ đầu tư được phép kinh doanh căn hộ, diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ sau khi đã hoàn thành công tác bồi thường, tái định cư; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí di dời, cưỡng chế di dời, kinh phí xây dựng… Đặc biệt, TPHCM đang soạn dự thảo nghị quyết quy định thêm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn TPHCM, chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho chương trình này.
THANH HIỀN