Đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
21 giờ trướcBài gốc
Mới đây, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất để TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành.
Cần thống nhất một đầu mối
Theo đó, tại kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X đã thông qua Nghị quyết số 28 ngày 29-4 về việc thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành.
Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 42 km, tổng mức đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Dự án gồm 20 ga, vận chuyển hành khách nội ngoại ô từ TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó, hồi 21-4, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Long Thành.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xác định là đường sắt quốc gia và đi qua địa phận hai địa phương (TP.HCM và tỉnh Đồng Nai).
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương để xây dựng.
Vị trí quy hoạch ga đầu mối Thủ Thiêm. Ảnh: Nguyễn Tiến
Tại công văn ngày 4-4, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo HĐND về giao UBND TP là cơ quan chủ quản thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công như đề xuất của Bộ Xây dựng.
Hồi tháng 3, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất Thủ tướng thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, có 4 tuyến đường sắt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, gồm các tuyến metro số 2, 4, 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm; sau đó theo tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối sân bay Long Thành;
Tuyến đường sắt đô thị số 6 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu); sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay Long Thành.
Quy hoạch TP.HCM xác định tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt đô thị số 2 do UBND TP.HCM chủ trì đầu tư.
Còn tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành là đường sắt đô thị đang giao Bộ Xây dựng đầu tư.
Chính vì vậy, để đảm bảo kết nối hiệu quả giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, các dự án liên quan cần được đầu tư đồng bộ, cùng công nghệ và do một đơn vị thống nhất vận hành.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt kết nối hai sân bay, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng thống nhất giao UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản đầu tư tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành. Việc này giúp đảm bảo tính đồng bộ trong xây dựng, vận hành và khai thác, đồng thời tăng tính chủ động cho địa phương trong quá trình triển khai.
Cần đẩy nhanh dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Trong bối cảnh sân bay quốc tế Long Thành đang tiến gần thời điểm vận hành giai đoạn một, phương án kết nối giữa hai đầu mối hàng không lớn – Long Thành và Tân Sơn Nhất đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định: việc tổ chức kết nối giao thông thuận tiện đến sân bay Long Thành là một nhiệm vụ cấp thiết, song không thể vội vàng mà cần được cân nhắc kỹ lưỡng và đặt trong một chiến lược giao thông tổng thể.
Hiện tại, TP.HCM đang sở hữu nhiều phương án kết nối đến Long Thành như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường sắt quốc gia, và sắp tới là tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm – Long Thành.
“Nếu Long Thành chính thức vận hành vào năm sau như dự kiến, thì việc triển khai khẩn trương các phương án kết nối là điều bắt buộc. Mọi sự chậm trễ đều có thể khiến chúng ta trả giá bằng sự quá tải và lãng phí nguồn lực,” ông Cương cảnh báo.
Theo TS Cương, việc khai thác và đồng bộ hóa các tuyến đường sắt đô thị như Thủ Thiêm – Long Thành sẽ tạo ra sức bật thực tế và khả thi hơn nhiều cho mạng lưới giao thông vùng. Đó không chỉ là giải pháp kết nối hàng không, mà là chiến lược phát triển hạ tầng vận tải của cả vùng đô thị TP.HCM mở rộng, ông phân tích.
Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cần sớm được triển khai. Ảnh minh họa: Viết Long
Còn ông Khương Văn Mười – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM – nhận định cần sớm đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo ông, các đầu mối giao thông hiện đại, từ bến xe đến cảng thủy, đều phải được kết nối hiệu quả nếu muốn nâng cao năng lực di chuyển và giao thương. “Sân bay cũng vậy – phải liên kết để người dân và hàng hóa lưu thông thuận tiện, nhanh chóng và bền vững,” ông Mười nói.
Đặc biệt, ông Mười đặt kỳ vọng lớn vào sự phát triển của Long Thành trong tương lai gần – một “thành phố sân bay” hiện đại, có sức bật đầu tư cực lớn. “Trong bối cảnh đó, các tuyến metro kết nối sẽ là lựa chọn lý tưởng. Không chỉ hiện đại, phù hợp xu thế phát triển xanh – thông minh – bền vững, mà còn đang được TP.HCM ưu tiên đẩy mạnh xây dựng trong tương lai gần,” ông đề xuất.
Ông cũng cho rằng, hệ thống metro không nên dừng lại ở một tuyến đơn lẻ, mà phải được thiết kế như một mạng lưới giao thông chiến lược, kết nối Long Thành với toàn bộ vùng TP.HCM mở rộng – từ trung tâm đến các đô thị vệ tinh và ngược lại.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/day-nhanh-tien-do-du-an-duong-sat-thu-thiem-long-thanh-post849142.html