Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có chiều dài gần 419 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 8,3 tỷ USD. Hiện nay, công tác thiết kế ranh giới giải phóng mặt bằng, xác định tọa độ tim tuyến và vị trí các ga đã hoàn tất. Chủ đầu tư cũng đã hoàn thành việc rà soát và điều chỉnh hướng tuyến. Các địa phương liên quan đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng và đang phối hợp triển khai các phần việc tiếp theo.
Để chuẩn bị cho việc khởi công vào ngày 19/12/2025 tại 5 điểm, chủ đầu tư đang tiến hành lựa chọn tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, lập dự toán các gói thầu tư vấn thiết kế và nghiên cứu khả thi, đồng thời tính toán nhu cầu vốn để làm việc với các đối tác trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các tuyến đường sắt khác kết nối với Trung Quốc cũng đang được xúc tiến như: tuyến Hà Nội – Đồng Đăng dài 156 km với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD; tuyến Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái dài 187 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD. Các cơ quan chức năng đang trong giai đoạn lập quy hoạch, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất cơ chế chính sách đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng lập kế hoạch chi tiết, xây dựng đường găng tiến độ và báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để phân công rõ ràng từng nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan. Việc triển khai cần được tổ chức khoa học, bài bản, nhằm góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thống nhất hướng tuyến và gửi cho các địa phương để triển khai giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cần xây dựng nhiều phương án huy động vốn, bao gồm: vốn vay, vốn ngân hàng, trái phiếu, đầu tư công và hợp tác công – tư (PPP).
Liên quan đến chuyển giao công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một yếu tố cốt lõi, cần tập trung đàm phán với đối tác để chuyển giao công nghệ trong hai lĩnh vực trọng yếu: sản xuất đầu máy kéo và hệ thống thông tin tín hiệu. Đồng thời, cần xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực với 3 cấp độ: công nhân kỹ thuật, kỹ sư và tiến sĩ, theo các lộ trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, xử lý nhanh chóng các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, địa chất, đất đai và mặt bằng. Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo tinh thần Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đường sắt.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất của Công ty Vinspeed về tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc phải khẩn trương, nghiêm túc, bài bản, với nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”. Các bộ, ngành phải báo cáo tiến độ định kỳ vào mỗi thứ Hai hàng tuần để Chính phủ theo dõi, đôn đốc.
Mây Hạ