Dự án Công viên Gia Lâm đang có nguy cơ chậm tiến độ do chưa hoàn thành GPMB.
Trên 50% diện tích chưa bàn giao mặt bằng
Thực hiện Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 06/9/2021 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố giai đoạn 2021-2025, huyện Gia Lâm lựa chọn dự án Công viên Gia Lâm để đăng ký tham gia chỉ tiêu “Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, dự án Công viên Gia Lâm có quy mô gần 14ha, được đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: kè hồ, quảng trường, đường dạo, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ,… với tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên sau 5 tháng khởi công (tháng 6/2024), dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ do công tác GPMB chưa hoàn thành.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Thuyết, dự án có tổng diện tích đất đề nghị thu hồi là 138.345,5m2 chủ yếu là đất nông nghiệp, liên quan đến 385 hộ dân và một phần đất công do UBND xã Cổ Bi và thị trấn Trâu Quỳ quản lý. Trong đó, diện tích cần thu hồi trên địa bàn xã Cổ Bi là 59.400,8m2, trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ là 78.944,7m2.
Thực hiện công tác GPMB, tại xã Cổ Bi, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 265 hộ dân có đất nông nghiệp và phần đất công do UBND xã Cổ Bi quản lý với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 50 tỷ đồng. Đến thời điểm này, 100% số hộ có đất nông nghiệp ở xã Cổ Bi đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Phần diện tích có cây xanh của 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng.
Đối với phần diện tích thu hồi để thực hiện dự án thuộc thị trấn Trâu Quỳ, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 117 hộ dân có đất nông nghiệp, hộ có tài sản trên đất và diện tích đất công do UBND thị trấn quản lý với tổng số tiền bồi thường hỗ trợ trên 74 tỷ đồng. Đến nay, 113 hộ có đất nông nghiệp và UBND thị trấn Trâu Quỳ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền gần 70,678 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng; 4 hộ còn lại, trong đó 1 hộ có diện tích đất nông nghiệp đang vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất và 3 hộ có tài sản trên đất (thuê đất của các hộ có đất nông nghiệp để sản xuất) chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công dự án.
Điều đáng nói, 03 hộ thuê đất nông nghiệp chưa bàn giao mặt bằng lại chiếm tới trên 50% diện tích đất được thu hồi để thực hiện dự án (76.165,3m2). Trong đó, hộ ông Nguyễn Đình Kế có 8.582,6m2 nằm trong chỉ giới GPMB chưa bàn giao; hộ ông Nguyễn Quốc Hoàn có 51.769,7m2 nằm trong chỉ giới GPMB chưa bàn giao; hộ ông Vũ Anh Nhật có 15.813m2 nằm trong chỉ giới GPMB chưa bàn giao. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án.
Tích cực tháo gỡ
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Thuyết, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp với UBND thị trấn Trâu Quỳ, Tổ công tác GPMB tổ chức họp dân, thực hiện kê khai, kiểm đếm tài sản trên đất của các hộ, xác nhận nguồn gốc quá trình sử dụng đất, lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các phòng, ban, bộ phận thường trực Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã hoàn thiện dự thảo phương án đối với 03 hộ có tài sản trên đất và báo cáo Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư thông qua.
Tiếp đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp với UBND thị trấn Trâu Quỳ tiến hành niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, kết thúc thời gian công khai, 03 hộ thuê thầu có ý kiến không đồng ý với dự thảo phương án và có đơn kiến nghị. Lý do là, 3 hộ kiến nghị được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại; được cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án; được bồi thường toàn bộ cây trồng, nhà tạm, công trình xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng 100% đơn giá do Nhà nước ban hành.
Qua làm việc và đối thoại, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND thị trấn Trâu Quỳ và các phòng ban chuyên môn của huyện Gia Lâm đã cung cấp thông tin, tuyên truyền, giải thích để 3 hộ nắm được vấn đề. Đồng thời, ngày 23/9/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất có Văn bản số 419, 420, 421/TTPTQĐ về việc trả lời đơn kiến nghị của 03 hộ thuê thầu với nội dung: những kiến nghị về việc bồi thường, hỗ trợ mà 03 hộ đưa ra là không có cơ sở xem xét.
Khu vực cắm mốc thu hồi đất để GPMB.
Sau khi trả lời đơn kiến nghị, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm đã tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 03 hộ gia đình, cá nhân sở hữu tài sản trên đất tại thị trấn Trâu Quỳ. Tuy nhiên, trong các ngày 24 và 29/10/2024, khi tiến hành chi trả tiền bồi thường hỗ trợ, 03 hộ không nhận tiền và không bàn giao mặt bằng. UBND thị trấn Trâu Quỳ phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và các phòng, ban đơn vị của huyện Gia Lâm đã tổ chức tuyên truyền vận động, thuyết phục nhưng đến nay, 03 hộ gia đình chưa đồng thuận.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Quốc Hoàn – hộ thuê đất có diện tích lớn nhất (51.769,7m2) cho biết, việc đền bù cây cối, hoa màu và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp đối với gia đình ông và 2 hộ thuê đất là chưa thỏa đáng.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, ngày 11/11/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Gia Lâm xem xét, ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 03 hộ nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án Công viên Gia Lâm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường, việc triển khai thực hiện GPMB dự án xây dựng hạ tầng khu công viên, vườn hoa, hồ nước phía trước trụ sở Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Gia Lâm được thực hiện đúng quy chế dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng, Tổ công tác GPMB và UBND thị trấn Trâu Quỳ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận để các hộ dân tự giác chấp hành các quy định về đền bù, hỗ trợ và tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Trong trường hợp người dân vẫn không chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và không bàn giao mặt bằng, UBND huyện Gia Lâm sẽ phải tính đến phương án cưỡng chế giải tỏa công trình, cây cối trên đất để thực hiện dự án.
Hoàng Quyết