Để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền miền núi, ngoài các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội riêng theo đặc thù vùng miền như: Chính sách hỗ trợ về đất sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo...
Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình
Theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, về cho vay hỗ trợ đất ở: mức cho vay không quá 50 triệu đồng/hộ; thời hạn cho vay tối đa 15 năm, lãi suất cho vay bằng 3%/năm.
Về cho vay hỗ trợ nhà ở: mức cho vay không quá 40 triệu đồng/hộ; thời hạn cho vay tối đa 15 năm, lãi suất cho vay bằng 3%/năm.
Về cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Mức cho vay không quá 77,5 triệu đồng/hộ; mức cho vay chuyển đổi nghề tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo; mức cho vay chi phí học nghề tối đa bằng mức cho vay áp dụng đối với chính sách tín dụng học sinh, sinh viên; thời hạn cho vay tối đa 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm giải ngân nhanh nguồn vốn vay đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch. Ngân hàng nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.
Các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Đối với Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều tỉnh đã và đang có giải pháp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách thực hiện Chương trình, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng ưu đãi được cấp trên giao, góp phần vào thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và hạn chế hoạt động tín dụng đen trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn - Phòng giao dịch huyện Chợ Đồn tuyên truyền chính sách đến đồng bào dân tộc. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Chợ Đồn)
Cụ thể, kết quả hoạt động về nguồn vốn, tổng nguồn vốn năm 2023: 3.298 tỷ đồng, tăng 493 tỷ đồng so với 31/12/2022, tốc độ tăng trưởng 17,58%. Trong đó:Nguồn vốn cân đối từ Trung ương 2.927 tỷ đồng, tăng 450 tỷ đồng so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 88,75% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương 309,6 tỷ đồng, tăng 30,5 tỷ đồng so với 31/12/2022, hoàn thành 101,7% chỉ tiêu kế hoạch được giao; chiếm tỷ trọng 9,39% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn ủy thác đầu tư địa phương: 61,4 tỷ đồng, tăng 12,4 tỷ đồng so với 31/12/2022 (10 tỷ đồng UBND các cấp chuyển trong năm 2023; 2,4 tỷ đồng trích từ lãi thu được trong năm); chiếm tỷ trọng 1,86% tổng nguồn vốn.
Kết quả thực hiện tăng trưởng dư nợ tín dụng, tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng dư nợ 504,9 tỷ đồng để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó: 194,9 tỷ đồng thực hiện tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng năm 2023 và 310 tỷ đồng tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP;UBND tỉnh và các huyện, thành phố chuyển vốn ủy thác từ ngân sách (cả phần bổ sung từ nguồn thu lãi) là 11,26 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 7/2024, tỉnh Bắc Kạn đã giải ngân vốn đầu tư công 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được 200.975 triệu đồng, đạt 30,6% kế hoạch; trong đó, Chương trình giảm nghèo bền vững giải ngân đạt 27,4%, Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 33,8%, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 30,8%.
Kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp năm 2024 (bao gồm cả nguồn năm 2022, 2023 chuyển sang) được 53.669,5 triệu đồng, đạt 6,3% kế hoạch; cụ thể, Chương trình xây dựng nông thôn mới giải ngân đạt 10,3% kế hoạch, Chương trình giảm nghèo bền vững đạt 7,9%, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 5,5%.
Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, tạo cơ sở quan trọng để các hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng vào thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài 292,522. Dân số toàn tỉnh đến cuối năm 2021 là 568.780 người, dân tộc thiểu số có 312.430 người chiếm 54,93% với 43 dân tộc cùng sinh sống, có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Tính đến cuối năm 2023, hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 là 10.220 hộ, chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 9.716 hộ, chiếm 95,06% so với tổng số hộ hộ nghèo toàn tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đối với Dự án 1 thuộc Chương trình, trong giai đoạn 2022 - 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 158.349 triệu đồng cho 3.495 hộ gia đình nghèo vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề (trong đó: Cho vay hỗ trợ đất ở 136 hộ, kinh phí giải ngân 6.745 triệu đồng; Cho vay hỗ trợ nhà ở 2.744 hộ, kinh phí giải ngân 109.590 triệu đồng; Cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề615hộ, kinh phí giải ngân 42.014 triệu đồng); doanh số thu nợ là 1.098 triệu đồng(khách hàng trả nợ theo phân kỳ); dư nợ 157.251 triệu đồng; đạt 148,3% so với kế hoạch vốn được giao.
Có thể nói, với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế hộ gia đình dân tộc thiểu số nói riêng và hộ nghèo nói chung như tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất.
Để triển khai thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, quá trình thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời hướng dẫn, kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở, qua đó tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tiếp cận được nguồn vốn vay lâu dài, lãi suất thấp để giải quyết nhu cầu bức thiết của cuộc sống về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi nghề…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, như: các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai chưa bao trùm được hết các đối tượng thụ hưởng chính sách, trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế dẫn đến chưa quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, sự hỗ trợ, phê duyệt tại một số địa phương còn chậm. Do đó, để thực hiện mục tiêu đề ra, các tỉnh cần có giải pháp tích cực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo hoạt động của chương trình tín dụng chính sách xã hội đến được với đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Đỗ Thụy