Em Trần Nguyễn Yến Nhi (trường THPT Cửa Lò, Nghệ An) là thủ khoa khối C toàn quốc với 29,75 điểm (Ngữ văn 9,75; Lịch sử 10; Địa lí 10). Ảnh: TTXVN phát
Những trái ngọt
Từ vị trí thứ 20 (năm 2024), mùa thi năm nay, Trường Trung học Phổ thông Quỳnh Lưu 1 đã vươn lên thứ 6 toàn tỉnh với điểm trung bình các môn là 7,29 điểm và có nhiều môn điểm trung bình rất cao như Ngữ văn là 8,34 điểm, Vậy lý 7,9 điểm, Địa lý 8,04…
Thầy giáo Hồ Sỹ Nam Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Quỳnh Lưu 1 cho biết, việc phân loại học sinh để dạy học đúng đối tượng là điều quan trọng. Trường đã tổ chức 5 kỳ thi thử. Sau mỗi kỳ thi, nhà trường đều yêu cầu giáo viên đánh giá chính xác từng học sinh để có kế hoạch dạy học phù hợp. Trước đó, xác định đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên ngay từ lớp 10, nhà trường đã đổi mới cách dạy học, cách kiểm tra, đánh giá, làm quen với cách ra đề mới để học sinh không bị bỡ ngỡ.
Ba năm trước, lứa học sinh lớp 12 của Trường Trung học Phổ thông Yên Thành 2 có nhiều em điểm đầu vào chỉ 11,5 điểm, gần một nửa không đủ điểm trung bình và đây là ngôi trường có chất lượng học sinh thấp nhất của huyện Yên Thành (cũ). Với xuất phát điểm không thuận lợi, việc tổ chức dạy và học của nhà trường gặp nhiều khó khăn khi trình độ, năng lực học sinh không đồng đều. Trong khi đó, học sinh của trường phần lớn là con em thuần nông, không có nhiều điều kiện học tập. Nhiều học sinh của trường, khi vào lớp 10 chỉ có suy nghĩ đơn giản học để có tấm bằng tốt nghiệp, đi làm công nhân hoặc đi xuất khẩu lao động.
Những hạn chế này cũng là thách thức của tập thể nhà trường, nhất là khi Nghệ An thực hiện ký cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục và yêu cầu có so sánh kết quả học sinh “đầu ra” so với “đầu vào”. Để từng bước nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường đã giao trách nhiệm cho từng giáo viên và yêu cầu phải có giải pháp cụ thể cho từng đối tượng, cuối mỗi học kỳ, mỗi năm học đều có sự so sánh, đánh giá. Năm học lớp 12, dù việc dạy và học gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả giáo viên trong trường đều dạy thêm miễn phí cho học trò...
Bằng sự cố gắng, mùa thi năm nay, Trường Trung học Phổ thông Yên Thành 2 đã về đích thành công khi vươn lên vị trí thứ 5 trong toàn tỉnh, chỉ sau các trường tốp đầu như: Trường Trung học Phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2, Trường Trung học Phổ thông Đô Lương 1, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Vinh với điểm trung bình 7,33 điểm, tăng 13 bậc so với mùa thi trước; có 2 học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp cao nhất huyện Yên Thành (cũ).
Thầy giáo Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Yên Thành 2 cho biết, đây là kết quả nằm ngoài sự mong đợi của nhà trường và cho thấy những giải pháp mà đơn vị đưa ra là đúng hướng. Nhà trường tin rằng, đây sẽ là động lực để đội ngũ giáo viên vượt qua khó khăn và thi đua dạy tốt, học tốt để mang về những thành tích mới trong học tập.
Dạy thật, chất lượng thật
Với điểm trung bình môn là 6,52 điểm, lần đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An vươn lên vị trí thứ nhất trong số 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đạt được kết quả trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với đề thi gồm các câu hỏi đánh giá năng lực. Do đó, Sở đã sớm tập huấn cho giáo viên về kỹ thuật biên soạn câu hỏi đánh giá năng lực học sinh theo cấu trúc đề thi của Bộ; từ đó xây dựng ngân hàng câu hỏi để sử dụng trong dạy học và kiểm tra, đánh giá, thi thử. Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức các đoàn tư vấn đến 91/91 trường trung học phổ thông để trực tiếp xây dựng kế hoạch ôn thi, xác định nội dung, thời lượng và cách thức ôn thi phù hợp theo đối tượng, môn thi, cách biên soạn câu hỏi đánh giá năng lực. Qua tư vấn đã giúp các trường trung học phổ thông khắc phục được các hạn chế như: xác định nội dung và bố trí thời lượng ôn tập chưa phù hợp, chưa đa dạng trong hình thức ôn tập, biên soạn câu hỏi đánh giá năng lực chưa đúng cấu trúc, sau thi thử chưa có nhận xét cho học sinh về kiến thức và kỹ năng làm bài.
Trước mùa thi tốt nghiệp năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 3 đợt thi thử trực tiếp cho học sinh toàn tỉnh và sau mỗi kỳ thi đều có phân tích kết quả để chỉ đạo dạy học, ôn tập cho các nhà trường. Ngoài ra, Sở đã xây dựng hệ thống thi thử trực tuyến LMS theo cấu trúc đề thi mới để học sinh thi thử miễn phí ở tất cả môn thi. Nhờ hệ thống này đã giúp học sinh tự đánh giá được năng lực của mình ở từng chủ đề, giai đoạn để kịp thời điều chỉnh việc ôn tập.
Về Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là khâu cuối cùng của năm học, đóng vai trò vừa là “bánh lái”, vừa là “động lực” dạy học của thầy và trò.
Theo ông Thái Văn Thành, kết quả đạt được ở kỳ thi này của Nghệ An là cả một quá trình. Từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh và các địa phương, ban, ngành liên quan, từ hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt, Nghệ An là tỉnh duy nhất trên cả nước tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trong toàn ngành theo hướng “cầm tay chỉ việc” giúp thầy cô tự tin tổ chức dạy học theo chương trình mới. Kết quả đạt được còn thể hiện truyền thống hiếu học của xứ Nghệ, sự nỗ lực dày công của đội ngũ giáo viên, giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và sự yêu thương.
Nhận định về kết quả thi, người đứng đầu ngành Giáo dục Nghệ An cho biết, năm nay, ngoài đánh giá theo điểm trung bình, kết quả của học sinh còn được đánh giá theo điểm trung vị nhằm đánh giá sát năng lực và đảm bảo tính tương đồng giữa các môn học. Từ kết quả đạt được, ngành Giáo dục Nghệ An xác định cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường; qua đó, giúp học sinh phát huy được tố chất, năng khiếu, sở trường, có năng lực, kiến thức, bản lĩnh trí tuệ để tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bích Huệ (TTXVN)