Dạy thêm, học thêm: Hiểu đúng, thực hiện mới đúng

Dạy thêm, học thêm: Hiểu đúng, thực hiện mới đúng
2 ngày trướcBài gốc
Không cấm, không siết nhưng không được ép buộc
Đến nay, trên nhiều diễn đàn vẫn có ý kiến cho rằng thực hiện theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 giáo viên bị cấm dạy thêm, học sinh bị cấm học thêm, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là những học sinh cuối cấp muốn thi vào những trường chất lượng cao.
Nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh còn chưa hiểu đúng tinh thần Thông tư 29 về dạy thêm học thêm. Ảnh: Thống Nhất
Làm rõ hơn việc quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo một lần nữa khẳng định: “Việc ban hành thông tư nhằm quản lý tốt hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không “siết” hoạt động này. Việc dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, chương trình môn học của giáo viên…”.
Ngay từ khi ban hành (ngày 30/12/2024), Thông tư 29 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi có nhiều điểm liên quan trực tiếp đến việc dạy và học, như: Không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Đối tượng học thêm bao gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Như vậy, Thông tư 29 không cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà chỉ cấm dạy thêm, học thêm sai quy định, sai đối tượng, nhằm tránh hiện tượng giáo viên cắt giảm kiến thức trên lớp, kéo học sinh ra ngoài để dạy thêm.
Trên thực tế, có những quy định trong Thông tư 29 không hề mới, như giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình đang dạy trên lớp. Tuy nhiên, những quy định trước đây đã không được một bộ phận giáo viên tuân thủ, nhiều người vẫn tìm cách “lách” các đoàn thanh tra, kiểm tra bằng nhiều hình thức. Và cũng có thực tế không ít học sinh phải học thêm để không làm “mất lòng” giáo viên. Điều này khiến cho cái nhìn về ngành giáo dục cũng như việc dạy thêm và học thêm bị lệch lạc.
Vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới là không có dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tinh thần hướng tới của Thông tư 29 là “vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp” và vì sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Hiện nay, một số trường THCS, THPT đã chủ động xây dựng phương án tổ chức ôn tập cho học sinh lớp cuối cấp tại trường trong điều kiện không thu học phí, như: Đồng Tháp, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Kạn…
Tại Bắc Ninh, trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh các nội dung Thông tư 29; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của Hiệu trưởng quy định tại Điều 13, Thông tư 29…
Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng trường TH&THCS Trần Quốc Toản (TP. Bắc Ninh) cho hay, ngày 11/2, trường đã tổ chức họp toàn thể cán bộ giáo viên phổ biến, quán triệt việc thực hiện Thông tư 29, trong đó, giáo viên phải viết cam kết với hiệu trưởng; hiệu trưởng viết cam kết với trưởng phòng giáo dục và đào tạo thành phố về việc không tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.
Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cũng tích cực chỉ đạo các nhà trường nâng cao chất lượng buổi học chính khóa; giao bài tập và hướng dẫn học sinh tự học tại nhà bằng nhiều giải pháp phù hợp. Đồng thời xây dựng kế hoạch tham mưu lãnh đạo tỉnh hỗ trợ kinh phí, bảo đảm việc dạy thêm, học thêm tại nhà trường (nếu có) diễn ra đúng quy định, đúng đối tượng, nhưng bảo đảm hài hòa giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và thù lao cho giáo viên.
Cùng bàn về cây chuyện này, giới chuyên gia cho rằng, nếu nói nhà trường không tổ chức dạy thêm sẽ khiến chất lượng giảm sút là chưa thỏa đáng. Đã đến lúc chúng ta cần khắc phục tình trạng học sinh hàng ngày tới trường kín lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức. Thông tư 29 dù còn những điểm chưa thống nhất nhưng có hai tác động đặc biệt quan trọng là "cởi trói" cho học sinh, phụ huynh phải học thêm tự nguyện trong ép buộc và thúc đẩy cha mẹ tham gia vào giáo dục con cái thay vì phó mặc cho giáo viên, nhà trường.
Một lần nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Trách nhiệm của nhà trường và giáo viên là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình. Với những học sinh có kết quả chưa đạt, đang chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cần có trách nhiệm bổ trợ cho các em.
Để thực hiện việc giáo dục, đảm bảo kết hợp hài hòa cả ba yếu tố trong giáo dục (nhà trường, gia đình và xã hội), phụ huynh học sinh và xã hội cần đồng hành với nhà trường; tham gia giám sát việc thực hiện Thông tư 29.
Tâm An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/day-them-hoc-them-hieu-dung-thuc-hien-moi-dung-374570.html