Sau khi Thông tư 29 ban hành, dư luận băn khoăn về việc quản lý học sinh ngoài giờ; “loạn trung tâm” dạy thêm; chất lượng dạy thêm trong trường học khi không thu tiền; quản lý giáo viên dạy thêm…
Ông Đậu Quang Hồng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trao đổi với PV Đại Đoàn Kết. Ảnh: HV.
PV Đại Đoàn Kết đã trao đổi với ông Đậu Quang Hồng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh để tìm hiểu, làm rõ thêm những vấn đề dư luận quan tâm.
Chạy đua về thời gian
Theo ông Đậu Quang Hồng, Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, sau khi nghiên cứu Thông tư 29, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành các văn bản để tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn Hà Tĩnh.
Hiện nay, dự thảo đã được Sở TT&TT đăng tải trên cổng thông tin điện tử tỉnh, đồng thời gửi cho các cơ quan, ban, ngành, phòng GD&ĐT các huyện, thị, UBND các địa phương, các trường học trên toàn tỉnh để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo.
Các Phòng GDĐT, các trường học sẽ tổng hợp ý kiến gửi về Sở GD&ĐT Hà Tĩnh trước 15/2/2024 còn ý kiến tổng hợp từ Sở TT&TT phải đến 30 ngày kể từ ngày đăng tải trên cổng thông tin điện tử, tức là đến 24/2/2024 mới có kết quả tổng hợp. Trong khi đó Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2/2024.
Hạn chế được tiêu cực
Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, phân tích, quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo Thông tư 29 có nhiều điểm mới, tích cực.
Quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 sẽ hạn chế được tiêu cực. Ảnh: HN.
“Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường và không được dạy thêm đối với học sinh chính khóa mà mình đang dạy trong trường. Điều này hạn chế được tình trạng ép buộc hoặc tiềm ẩn, tiêu cực giữa giáo viên và học sinh”, ông Đậu Quang Hồng nói.
Dạy thêm trong trường chỉ gói gọn trong 3 đối tượng, đó là học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đặc biệt, dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền từ phụ huynh, học sinh mà do ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Đối với kinh phí dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường do “thỏa thuận” giữa cơ sở dạy thêm với người học thêm, tuy nhiên phải niêm yết công khai. Điều này sẽ có lợi cho người học thêm trong việc lựa chọn nơi dạy thêm có giá cả hợp lý, chất lượng tốt, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở dạy thêm.
Những điều kiện đảm bảo để lấp “lỗ hổng”?
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo các điều kiện: Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm;
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm; Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đang hoàn thiện các văn bản để tham mưu UBND tỉnh quy định, hướng dẫn về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Ảnh: HN.
Thông tư 29 quy định, trách nhiệm của cơ sở dạy thêm phải “thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Vì vậy, các cơ sở dạy thêm cần thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo cho việc đăng kí và tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
“Cơ sở dạy thêm học thêm ngoài nhà trường cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định chứ không phải có bảo bối là giấy phép kinh doanh là được”, ông Đậu Quang Hồng nói.
Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, sau khi thực hiện quy trình tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Sở sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, hướng dẫn không trái với Thông tư 29 và các quy định hiện hành.
Siết chặt kiểm tra
Theo Thông tư 29, Sở GDĐT không cấp phép cho các cơ sở dạy thêm mà thực hiện tốt công tác quản lý. Sở phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng, địa phương để kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện có đảm bảo các quy định liên quan đối với hoạt động dạy thêm, học thêm để từ đó hướng dẫn, chấn chỉnh và xử lý.
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm được dư luận quan tâm. Ảnh: HN.
Theo ông Đậu Quang Hồng, truyền thông phải đi trước một bước để chủ cơ sở kinh doanh thực hiện đúng quy định về điều kiện kinh doanh, chương trình, kế hoạch, nội dung, thỏa thuận… Đây là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 29 nên sẽ còn nhiều vấn đề, tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát phải được đặt lên hàng đầu.
Loạn trung tâm dạy thêm?
Trước dư luận băn khoăn về việc, Sở GD&ĐT không cấp “giấp phép con” cho cơ sở dạy thêm, không có quy định cụ thể về cơ sở dạy thêm nên sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng “loạn trung tâm dạy thêm”, ông Đậu Quang Hồng khẳng định: “Sẽ có những giải pháp đồng bộ để không có tình trạng này”.
Việc các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường đăng kí kinh doanh và cần phải đảm bảo các quy định tại Thông tư 29 và quy định hiện hành. Vì vậy, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện không đảm bảo sẽ bị xử lí theo đúng quy định pháp luật.
“Đây là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 29 vì thế trước mắt phải đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức để người dân, cơ sở đăng ký kinh doanh thực hiện đúng quy định, thực hiện tốt việc phòng và chống những tiêu cực, sai phạm trong quá trình tổ chức dạy thêm”, ông Đậu Quang Hồng nói.
Hạnh Nguyên