Dạy thêm là mầm mống phát sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực trong trường học

Dạy thêm là mầm mống phát sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực trong trường học
3 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin nhiều tuyến bài phản ánh thực trạng dạy thêm học thêm tại một số địa phương ở cả nước. Các bài báo này khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm không chỉ của phụ huynh học sinh mà cả giáo viên, chuyên gia, đại biểu Quốc hội.
Nhiều bạn đọc là thầy cô có những góc nhìn riêng về vấn đề dạy thêm học thêm. Một giáo viên có thâm niên 15 năm đứng trên bục giảng đã nêu ý kiến, quan điểm cá nhân về vấn đề này.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã lược ghi và đăng tải để độc giả có thêm góc nhìn khách quan.
Giáo viên dạy thêm ra đề thi liệu có công bằng?
Ngành Giáo dục rất tích cực trong vấn đề đổi mới, và chắc chắn có nhiều trăn trở trước vấn đề dạy thêm học thêm. Để đi đến một quyết sách mới, triển khai được trong thực tế và làm triệt để đó là điều thầy cô và bao nhiêu người mong đợi.
Trước đây, Thông tư 17 Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, lúc đầu cũng triển khai rầm rộ nhưng chỉ một thời gian dạy thêm lại tiếp tục, và khi không ai kiểm soát thì lập tức nó trở thành vấn nạn. Hệ lụy của nó ảnh hưởng tới giáo dục vô cùng lớn.
Đầu tiên là học sinh bị đối xử bất công bằng, tiếp đến là giáo viên vào cuộc đua chạy lớp, được xếp lớp chọn, lớp đông sĩ số, nhiều lớp để được triển khai kế hoạch dạy thêm của mình.
Cuộc chạy đua lấy lòng Hiệu trưởng cũng bắt đầu từ dạy thêm mà ra. Chuyện mất đoàn kết, chạy theo lợi ích của giáo viên cùng bộ môn, giáo viên chính, giáo viên môn phụ...
Bạn đọc cho rằng không nên cho giáo viên dạy thêm đối với học sinh chính khóa (Ảnh minh họa)
Hiệu trưởng không còn công tâm, yêu thì tạo điều kiện, ghét thì tìm lỗi để xử lý. Có những giáo viên bị học sinh và phụ huynh ý kiến nhưng Hiệu trưởng tìm cách che đậy dạy thêm thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng không phải là không có.
Giáo viên chủ yếu khai thác từ học sinh chính khóa. Việc coi thi, chấm thi cho học sinh không còn nghiêm túc nữa. Người bận đi dạy thêm được tạo điều kiện.
"Kỳ thi khảo sát cấp trường của học sinh lớp 12 thu tiền của học sinh (350.000 đồng/đợt) nhưng để giảm thiểu phần chi cho giáo viên thì chỉ có một giám thị coi thi, giấy nháp không phát, và cô nào được ưu ái dạy thêm cứ đi dạy cho khối 10, 11 bình thường.
Dạy các em tới 8 tiết học thêm một tuần của một môn học, học sinh kêu nhưng hiệu trưởng lại phớt lờ...
Học sinh nhiều khi đến lớp là ngủ, môn phụ ngủ, bài vở không chuẩn bị, mệt mỏi có đánh thức cũng không gượng dậy được vì kiệt sức học thêm môn khác rồi.
Điều này khiến thể chất của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong nhà trường cũng tìm mọi cách để dạy thêm và tổ chức các hoạt động như trải nghiệm, nghỉ mát, tham quan thu tiền.
Giáo viên chủ nhiệm là cánh tay đắc lực của hiệu trưởng, có qua có lại, hỏi làm sao cấm dạy thêm học sinh chính khóa ngoài trường được?
Kể cả những giáo viên bị chèn ép không dạy được nhiều nhưng vẫn hơn là không được dạy, cứ im lặng mà dạy, bị chèn ép cũng chấp nhận, ít nhất còn có thu nhập gấp mấy lần lương.
Tổ trưởng, tổ phó (nơi tôi công tác) là người hiệu trưởng cất nhắc chọn, họ cũng là cánh tay của hiệu trưởng, họ dạy thêm rất nhiều toàn lớp đông sĩ số, lớp chọn.
Đề thi học kỳ họ nắm trong tay cùng một số giáo viên, đề thi nào họ cũng luyện cho học sinh học thêm trước rồi, cho nên không phải là học sinh của họ thì việc thi cử rất thiếu công bằng.
Nói là giáo viên ra đề thi học kỳ chéo khối, nhưng cô A ra đề cho khối 10, cô B ra đề cho khối 11, cô C ra đề khối 12, rồi cô D phản biện đề khối 10, cô E phản biện đề khối 11, cô F phản biện đề khối 12, tổ trưởng thu toàn bộ đề chốt hoàn thiện đảm bảo đề thi chuẩn xác trước khi thi chính thức.
Và tất cả các cô đều dạy thêm. Vậy chúng ta quản lý đề thi học kỳ không bị lộ bằng niềm tin hay sao?
Trước khi thi, học sinh một số lớp nói trước đề thi sẽ ra, khi chúng tôi thắc mắc tổ trưởng nói là có nhiều khâu nên không thể nói tại các cô được, ví dụ như khâu in đề họ nói thì sao? Học sinh nó đoán vu vơ nhưng trúng thì sao?
Giống như nhà có 10 anh chị em, chị cả làm tổ trưởng tất cả các em từ hai đến bảy làm đề nộp cho chị, chị Hai không dạy lớp 10 (dạy lớp 11, 12) ra đề khối 10, chị Ba không dạy lớp 11 (dạy lớp 10-12) ra đề khối 11, chị Tư không dạy lớp 12 (dạy lớp 10-11) ra đề khối 12, chị Năm phản biện đề khối 10 (dạy lớp 11-12), chị Sáu phản biện đề khối 11 (dạy lớp 10-12), chị Bảy phản biện đề khối 12 (dạy lớp 10-11).
Còn ba em út (em gái, em trai- giáo viên mới) nhỏ quá, các chị bảo đi chơi chỗ khác. Tối đến, bảy chị nằm cười rả rích với nhau. Rồi, đến lúc thi không hiểu sao lớp các chị đều được học ôn trước các đề, học sinh lớp các chị nói đề sẽ vào gì, và lúc thi y như vậy.
Ba em út thấy thiệt cho học sinh mình nên ý kiến thì chị cả là tổ trưởng trả lời rằng có nhiều khâu, có thể do người in lộ ra, có thể do học sinh tự đoán, còn dạy trước là trùng hợp ngẫu nhiên, chả dạy nó tự học cũng trùng vào thì sao, mà nó học ở đâu đó cũng có thể trùng thì sao? Đề kỳ thi tốt nghiệp của cả nước còn đoán trúng đề mà?
Chúng tôi không muốn quy chụp gì nhưng chúng tôi thấy vấn đề này thực sự không ổn. Không thể có cơ chế ra đề hết năm này tới năm khác không minh bạch được như thế và không thể so với đề thi tốt nghiệp bởi vì ở kỳ thi đó người làm đề ngẫu nhiên và họ chỉ ra đề họ không dạy thêm học sinh chính khóa.
Nên chăng cần có ngân hàng đề thi học kỳ chung của Sở Giáo dục và Đào tạo cho các trường và tuyệt đối không sử dụng ví dụ, ngữ liệu dạy thêm để kiểm tra đánh giá, kể cả kiểm tra học kì vì đây là điểm thi hệ số 3 của học sinh, rất quan trọng.
Không nên để giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa
Tôi không phủ nhận dạy thêm thì kiến thức của một số học sinh cũng tốt lên nhưng hệ lụy quá nhiều.
Người ta chỉ nhanh nhanh kết thúc tiết dạy trên lớp để chạy ra ngoài nhà dân dạy thêm, nơi đó mới là dạy chính, chỉ một buổi dạy kiếm vài triệu rồi. Bao nhiêu người nghĩ được tới hệ lụy mà dừng lại. Bao nhiêu người tự vấn lương tâm để thôi dạy thêm học sinh chính khóa.
Còn nếu không phải học sinh chính khóa, bao nhiêu người có học sinh bên ngoài tìm đến học thêm?
Dạy thêm học sinh chính khóa làm mất đi sự cao quý của người thầy (ảnh minh họa)
Tôi đọc thông tin và tìm hiểu rồi tự hỏi, ại sao Trung Quốc quyết liệt trong đẩy lùi vấn nạn dạy thêm trong khi họ phát triển mạnh như thế; rồi Hàn Quốc nơi dạy thêm nhiều họ đều phải có cơ chế giám sát chặt chẽ... mà chúng ta còn nhiều băn khoăn quá.
Tôi có cảm nhận chúng ta vẫn còn vướng víu trông đợi Hiệu trưởng minh bạch công tâm, trông đợi vào lương tâm giáo viên, trông đợi phụ huynh phải cứng rắn mạnh dạn nói ra...
Bao nhiêu năm nay dạy thêm trở thành vấn nạn chính là sự trông đợi mơ hồ này. Tôi thiết nghĩ rằng cần có cơ chế rõ ràng cụ thể và dạy thêm học thêm là một hệ thống riêng giống như ba hệ thống: trường công lập, trường tư thục, và Trung tâm dạy thêm độc lập nhau.
Sở Giáo dục, các cấp có thẩm quyền cấp phép, quản lí ai muốn dạy ra đó đăng kí, đóng thuế, chứ không cấm. Không nên để giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa ở hệ thống công lập (tôi nghĩ tư thục cũng vậy, bởi thầy cô là người dạy thêm lại kiểm tra đánh giá học sinh cho điểm học bạ là thiếu công bằng).
Trong nhà trường cũng không tổ chức dạy thêm mà tăng cường các hoạt động phong phú đa dạng của các môn học dưới nhiều hình thức đào tạo học sinh có trí tuệ, thể chất và năng động mà không phát sinh các khoản thu.
Nhiều tỉnh, thành phố miễn học phí cho học sinh. Một số phụ huynh tậm sự, họ chưa kịp vui thì các khoản liên kết, học thêm gấp cả chục lần khoản được miễn (tiền tăng cường liên kết thu tiền triệu trong khi học phí miễn có vài trăm nghìn đồng) làm sao vui trọn vẹn được.
Tôi thấy nên đầu tư cho Giáo dục như tăng lương cho giáo viên, cố gắng các tỉnh thành hỗ trợ học phí cho học sinh bằng nguồn ngân sách địa phương, giảm thiểu tình trạng lạm thu ở các trường...
Tôi cho rằng việc học đàn, học tiếng Anh, bóng rổ cầu lông... gì đó của các phụ huynh không nên tính là học thêm tốn bao nhiêu tiền, cái đó là nhu cầu chính đáng và họ chủ động không ai ép.
Điều đáng ngại nhất chính là dạy thêm học sinh chính khóa mới có những hệ lụy lớn nhất và làm mất đi sự cao quý của người thầy!
*Quan điểm của một bạn đọc được phóng viên Tạp chí lược ghi.
LÃ TIẾN (lược ghi)
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/day-them-la-mam-mong-phat-sinh-rat-nhieu-van-de-tieu-cuc-trong-truong-hoc-post246637.gd