Dạy trẻ đối mặt với cơn giận

Dạy trẻ đối mặt với cơn giận
10 giờ trướcBài gốc
Cha mẹ hãy kiên nhẫn và giữ thái độ bình tĩnh khi con trẻ nóng giận. Ảnh: T.D.
Một đứa trẻ có thể trở nên giận dữ chỉ vì nhận được miếng bánh pizza bé nhất, trong khi một đứa trẻ lớn hơn có thể trở nên khó chịu khi bạn yêu cầu xem bài tập về nhà cần được hoàn thành cho ngày hôm sau. Những trẻ nóng nảy này có thể trở nên tức giận đôi khi chỉ vì những lý do nhỏ nhất.
Dưới đây là một số yếu tố kích hoạt cơn tức giận phổ biến ở trẻ, đặc biệt với những trẻ nóng nảy: Sự bất công, không có lựa chọn (khi bị yêu cầu: “Con phải làm bài tập về nhà ngay bây giờ”), thiếu kiên nhẫn (khi phải xếp hàng), bị xem thường.
Mặc dù miếng bánh của trẻ có thể không phải miếng nhỏ nhất, nhưng trẻ thấy như vậy. Chính góc nhìn khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, kích động và cuối cùng là tức giận. Khi giúp một đứa trẻ luôn nhìn vào mặt tiêu cực của sự việc chuyển sang tư duy tích cực hơn, cha mẹ cũng đang giúp trẻ giảm bớt sự giận dữ về lâu dài.
Tất nhiên, thách thức lớn nhất của cơn giận dữ chính là tốc độ của nó. Thường chỉ có một vài giây giữa giây phút trẻ cảm thấy bị coi thường và giây phút trẻ bắt đầu la hét. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có thể kéo dài khoảng thời gian giữa bị kích thích và phản hồi, trẻ nhận được miếng pizza nhỏ nhất có thể hít một hơi và sau đó phản hồi theo một cách khác. Trẻ có thể học cách tự giúp mình bình tĩnh lại và phản ứng điềm tĩnh hơn thay vì đơn giản cứ thế nổi xung lên.
Bằng cách kích hoạt phần lý trí (não trái) sớm hơn, trẻ có thể dừng lại trước khi phản ứng và thể hiện khả năng kiểm soát sự kích động. Trong khi việc học cách làm được điều này thường không thể xảy ra chỉ sau một đêm, trẻ có thể luyện tập thấu hiểu cảm giác của mình và học cách chậm lại thay vì đưa ra một lựa chọn "không được thông minh cho lắm" khi tức giận.
Hãy nhớ lại thời điểm bạn trở nên tức tối và sự tức giận của bạn nhanh chóng đạt tới đỉnh điểm. Điều gì đã xảy ra? Bạn có hét lên không? Có phát vào mông trẻ không? Hay nói điều gì đó mà bạn biết là mình không hề muốn? Tuy vậy, hãy tưởng tượng nếu bạn bắt được các tín hiệu giận dữ của mình khi chúng mới xuất hiện, bạn nhận thấy tim mình đập nhanh hơn, mặt đỏ phừng phừng hoặc có biểu hiện khác. Khi ấy, phản ứng của bạn liệu có khác đi không?
Bắt được cơn tức giận khi nó chưa bùng lên, chúng ta được trang bị tốt hơn để hạ hỏa và giải phóng cảm xúc tức thời này theo hướng tích cực. Điều tương tự cũng đúng đối với trẻ.
Vai trò của cha mẹ là giúp những trẻ nóng tính học cách bắt các tín hiệu của sự tức giận, bình tĩnh và tạm dừng, sau đó đưa ra một lựa chọn thông minh để cách thể hiện sự tức giận của mình ra bên ngoài. Rõ ràng chúng ta không muốn trẻ phải kìm nén sự tức giận, nhưng câu hỏi là: Cách thể hiện cảm xúc theo hướng tích cực là gì?
Một trong những khách hàng của tôi, bé Imani, 10 tuổi, đã nói rằng cháu tưởng tưởng cơn tức giận của mình biến mất khi nhảy nhót trên tấm bạt lò xo. Khi nhảy xong, cơn tức giận của cháu đơn giản là đã biến mất.
Một khách hàng khác, chị Marigold, đã gọi cho tôi về cậu con trai học lớp bốn của mình - bé Cole. Cole gặp rắc rối ở trường học vì đe dọa bạn, cháu đã nói: “Nếu mày còn nói điều đó một lần nữa, tao sẽ ném ghế vào mày”. Cháu đã cầm sẵn chiếc ghế trong tay. Giáo viên đã đưa cháu tới gặp hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng đã mời cha mẹ cháu đến phòng ban giám hiệu.
Tất nhiên, mọi người đều đã cảm thấy thật khủng khiếp: Cả Cole, giáo viên, cô hiệu trưởng và cha mẹ của Cole, những người đã phải hứa sẽ cho cháu đi tư vấn. Đó là câu chuyện tôi nhớ mãi.
Tôi sớm nhận ra Cole đơn giản là không nắm bắt được các tín hiệu tức giận của mình và chưa có các phương pháp cảm xúc để dừng lại, bình tĩnh và đưa ra một lựa chọn thông minh hơn. Ngày nay chúng ta đều biết, có ba bước trẻ có thể sử dụng khi đối mặt với cơn tức giận hay một cảm xúc mãnh liệt nào đó. Dưới đây là một số điều cha mẹ có thể áp dụng với trẻ:
- Dừng lại (hay tạm dừng): Điều này liên quan đến kỹ năng nhận thức, từ đó, trẻ có thể nắm bắt các cảm xúc của mình khi nó chưa bùng lên và ngăn bản thân đi sai hướng.
- Bình tĩnh: Nếu trẻ bắt được cơn tức giận của mình khi nó chưa bùng lên, trẻ có thể học cách bình tĩnh lại và hạ hỏa. Điều này bao gồm việc học cách xoa dịu bản thân và điều chỉnh các cảm xúc thay vì để cho chúng điều khiển lại mình.
- Đưa ra một lựa chọn thông minh: Tôi định nghĩa một lựa chọn thông minh là một lựa chọn tốt cho cả bản thân và những người khác. Các lựa chọn thông minh gắn với sự tức giận bao gồm việc bỏ đi, nói chuyện với thầy cô giáo và hít thở thật sâu. Chúng không bao gồm việc ném chiếc ghế vào ai đó hay nói những thứ khó nghe chỉ vì bản thân đang tức giận.
Vì đây chỉ là những ý tưởng đơn giản nên bây giờ tôi sẽ chia sẻ một số phương pháp thực hành dành cho mỗi bước (dừng lại, bình tĩnh và đưa ra một lựa chọn thông minh) để trẻ có thể đưa vào thực tế. Tất cả những trẻ khỏe mạnh có thể học cách nắm bắt các dấu hiệu giận dữ của mình, sau đó áp dụng một phương pháp giúp bình tĩnh lại để tập trung vào bản thân. Một khi tập trung và bình tĩnh, trẻ có thể đưa ra một lựa chọn thông minh ngay cả khi đối mặt với thách thức.
Maureen Healy/ Thái Hà Books & NXB Công thương
Nguồn Znews : https://znews.vn/day-tre-doi-mat-voi-con-gian-post1510924.html