Cô trò Trường Tiểu học Phú Lộc trong giờ học môn Tin học.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Bình Lương (Như Xuân) hiện có 517 học sinh ở cả 2 cấp học. Để phục vụ cho việc dạy học môn Tin học, nhà trường hiện có 1 phòng học Tin học với 10 máy vi tính. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng 3 máy đã bị hư hỏng nhưng chi phí khắc phục lớn nên tạm thời học sinh nhà trường chỉ có thể sử dụng 7 máy để học.
Do là trường có hai cấp học, khu TH cách lế với khu THCS, trong khi đó khu TH lại có thêm hai khu lẻ ở vị trí khác (khu lẻ xa nhất cách khu chính 8km), trong khi các phòng bộ môn lại ở khu THCS nên rất khó khăn trong việc học thực hành môn Tin học đối với bậc TH.
Phó hiệu trưởng Trường TH và THCS Bình Lương Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: "Theo quy định, 2 học sinh sẽ dùng chung 1 máy vi tính, nhưng do thiếu máy nên nhà trường đã khắc phục bằng cách kê thêm ghế để 3, 4 học sinh có thể dùng chung 1 máy. Đối với học sinh TH, những tiết học lý thuyết các em sẽ học tại lớp, còn đối với tiết thực hành ở khu lẻ, xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn thì giáo viên Tin học sẽ mượn máy tính xách tay của đồng nghiệp trong trường để học sinh được thực hành".
Ông Lê Bá Tâm, viên chức Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Như Xuân, cho biết: “Huyện hiện có 6 trường 2 cấp học ở hai khu khác nhau dẫn đến việc chỉ có một khu có phòng chức năng, còn một khu không có. Trên danh nghĩa trường đã có đầy đủ các khu, phòng chức năng nhưng trên thực tế lại vẫn thiếu, gây khó khăn trong việc dạy và học các tiết thực hành”.
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Như Xuân hiện vẫn còn thiếu giáo viên Tin học. Do đó, Phòng GD&ĐT đã bố trí, sắp xếp giáo viên Toán Tin, Lý Tin dạy Tin học; điều giáo viên liên trường, liên cấp để đảm bảo học sinh từ lớp 3 trở lên được học Tin học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, sắp xếp thời khóa biểu môn Tin học cùng vào một buổi ở cùng một trường để đảm bảo điều kiện đi lại, dạy học cho giáo viên dạy môn Tin học.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Phú Lộc (Hậu Lộc), thầy giáo Phan Trường Thi, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trường có phòng Tin học với 20 máy, nhưng số máy hoạt động được chỉ còn khoảng 50%. Bên cạnh đó, nhà trường không có giáo viên Tin học, mà giáo viên được bố trí dạy liên trường nên hoạt động chuyên môn ít nhiều chưa thể chủ động được”.
Tin học là một bộ môn “đặc thù” nên chương trình học đòi hỏi phải liên tục được đổi mới, cập nhật theo xu hướng phát triển. Hiện nay, khó khăn của các nhà trường là thiếu điều kiện để trang bị phòng máy vi tính hiện đại, phải sử dụng máy vi tính cũ, cấu hình thấp, chậm, hệ điều hành cũ, thiếu giáo viên Tin học giỏi... Do đó, chất lượng dạy và học môn Tin học còn nhiều khó khăn.
Theo thầy giáo Vũ Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), “Điều kiện quan trọng nhất để nâng cao chất lượng dạy học môn Tin học là giáo viên. Giáo viên phải giỏi trong việc tiếp cận Chương trình GDPT 2018 phải có tinh thần đổi mới, tâm huyết với học trò"...
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp để có đủ giáo viên giảng dạy, ngành giáo dục cần được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị máy tính có cấu hình cao, thường xuyên cập nhật, cài đặt chương trình, cài đặt ngôn ngữ lập trình có nhiều ứng dụng, phiên bản mới...
Theo các giáo viên dạy Tin học, ngoài tăng biên chế giáo viên dạy Tin học cho những trường còn thiếu, giáo viên cũng cần được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên để cập nhật kiến thức mới. Thực tế các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin thay đổi liên tục và từng trường học không thể đầu tư mua riêng lẻ vì nguồn lực không cho phép. Do đó, giáo viên mong muốn được cung cấp tài liệu, phần mềm mới, hiện đại, phù hợp với thực tế... để giảng dạy, từ đó nâng chất lượng giảng dạy môn Tin học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Bài và ảnh: Linh Hương