Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 12/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong bầu cử
Thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng như việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, hai nội dung này liên quan mật thiết với nhau nên chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng chung một nghị quyết và các đại biểu Quốc hội chỉ cần biểu quyết một lần.
Liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, việc rút ngắn thời gian nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp là cần thiết để chuẩn bị kỹ hơn cho cuộc bầu cử khóa XVI, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện chính quyền 2 cấp.
Theo đại biểu, thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi tiến hành bầu cử được rút ngắn từ 60 xuống 42 ngày so với trước đây được xem là bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm cao của các đơn vị liên quan trong tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực, thời gian. Tuy nhiên, những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân liên quan đến bầu cử phải giữ nguyên.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, trong bối cảnh các địa phương tinh gọn bộ máy với chính quyền 2 cấp, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính cũng cần được áp dụng và quy định trong dự thảo Luật. Cụ thể, các địa phương có thể tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có thể áp dụng cả hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Đồng thời, đại biểu cho rằng, có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để lập danh sách cử tri một cách nhanh chóng, không phải làm thủ công. Đồng thời, việc niêm yết danh sách người ứng cử cũng có thể làm trên môi trường trực tuyến khi ứng dụng chuyển đổi số, thay vì dán công khai ở các bảng tin như trước đây.
Góp ý vàoDự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh quan tâm đến quy định về khu vực bỏ phiếu. Cụ thể, Dự thảo Luật đề nghị chỉnh sửa quy định về nội dung này từ UBND cấp xã xác định và UBND cấp huyện phê chuẩn chuyển sang UBND cấp xã xác định, UBND cấp tỉnh điều chỉnh. Đại biểu cho rằng, việc bầu cử chỉ diễn ra 5 năm/lần, việc phê chuẩn khu vực bỏ phiếu là nội dung quan trọng, trước đây giao cho cấp trên phê chuẩn, nay vẫn nên để UBND cấp tỉnh phê chuẩn để bảo đảm việc xác định khu vực bỏ phiếu chính xác.
Với đề nghị tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử, đại biểu đồng ý tăng từ 9 - 11 thành 9 - 15 thành viên do các xã không thay đổi về quy mô, số lượng này là phù hợp.
Liên quan quy định tham gia Ủy ban bầu cử, đại biểu hoan nghênh Dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tham gia Ủy viên Ủy ban bầu cử của tỉnh và cho rằng, đây là nội dung mới, có sự tham gia của đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn TP Hà Nội) tham gia thảo luận - Ảnh: Phạm Thắng
Về thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử, Dự thảo Luật quy định giảm thời hạn tiếp nhận từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, sự điều chỉnh giảm là phù hợp vì khiếu nại về kết quả bầu cử thường xác định được ngay; tuy nhiên, cũng cần tính thêm với các trường hợp khiếu nại kéo dài thì bổ sung quy định theo cách kéo dài.
Cấm mua bán dữ liệu cá nhân là phù hợp
Thảo luận về Dự thảo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật. Đa số các đại biểu khẳng định, dữ liệu cá nhân là tài sản đặc biệt, không phải tài sản hàng hóa nên việc dự thảo Luật quy định nghiêm cấm hành vi mua, bán dữ liệu cá nhân là phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh đề nghị bổ sung các quan điểm của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào nội dung Dự thảo Luật vì dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên tài sản, vừa là tài nguyên phát triển khoa học công nghệ.
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ giới hạn dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam và phạm vi xử lý dữ liệu cá nhân trong lãnh thổ và cả ngoài lãnh thổ để xác định rõ đối tượng áp dụng cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu vấn đề, khi dữ liệu cá nhân kết hợp thông tin khác tạo ra dữ liệu cá nhân mới thì ứng xử với thông tin dữ liệu cá nhân như thế nào cũng là nội dung cần xem xét. Vì vậy, đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cần nghiên cứu nội dung này.
Thịnh An