Học thêm dạy thêm là nhu cầu có thật
Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Vấn đề dạy thêm, học thêm nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của nhiều ĐBQH.
ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) đề cập về việc học thêm dạy thêm, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các cơ quan để đưa ra quy định cụ thể cũng như cơ chế quản lý đối với về vấn đề này.
Theo đại biểu, thực chất việc học thêm là một nhu cầu cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, dư luận xã hội hiện nay đang có hai luồng dư luận: Một là cấm, hai là quản lý.
Đại biểu nêu ví dụ, nhiều công nhân tăng ca buổi chiều không đón con được nên rất muốn gửi con của họ cho thầy cô giáo đưa về nhà để quản lý và đến tận tối mới đón con về. Do đó, trong dự án Luật cần có cơ chế quản lý về việc dạy thêm học thêm.
ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Ảnh: Media Quốc hội).
ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) góp ý về những việc mà nhà giáo không được làm, tại điểm c khoản 2 Điều 11 có quy định về việc không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.
Theo đại biểu, quy định này là cần thiết, tuy nhiên, nội dung này cũng đã được quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Giáo dục, đó là ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy cho rằng, cần nhìn nhận một cách thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định sao cho thật cụ thể và phù hợp.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo sáng 20/11 (Ảnh: Media Quốc hội).
"Trong thực tế việc dạy thêm là nhu cầu có thật của giáo viên và của học sinh, nhất là ở các đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, các cháu càng được gia đình đầu tư học tập và nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản ở lớp học. Và nhu cầu tìm đến các thầy cô giáo giỏi để được học thêm là luôn có thật", đại biểu nói.
Do đó, nữ đại biểu nhận thấy, nếu như cho rằng việc tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên để giải quyết vấn đề học thêm thì vẫn còn chủ quan và chưa thật sự phù hợp với thực tế cuộc sống.
Cần xây dựng một ngân hàng đề thi
Góp ý tại Điều 2 của dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị cần bổ sung đối tượng áp dụng là "người học, phụ huynh" vào khoản 3 Điều 2, và được viết lại là "người học, phụ huynh, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động của nhà giáo".
Đại biểu cho rằng, tôn vinh là hình thức công nhận thành tích hay cống hiến một việc gì đó, vì vậy khoản 1 Điều 3, sau cụm từ "tôn vinh" nên bổ sung thêm cụm từ "khi có cống hiến cho sự nghiệp giáo dục".
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị khi nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cần vinh danh tại nơi cư trú của nhà giáo. Đây vừa là động lực cho nhà giáo vừa để nhà giáo giữ gìn hình ảnh người thầy phù hợp với danh hiệu của mình.
Thời gian gần đây, đôi lúc xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo việc hoặc học sinh xúc phạm thầy cô làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy, ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: Media Quốc hội).
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Điều 11 cần bổ sung quy định những điều phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Khi thầy cô vượt quá giới hạn cho phép, phụ huynh và người học cũng không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà phải thông qua nhà trường, Ban đại diện phụ huynh, cơ quan Nhà nước.
Về Điều 9 quy định về nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị điều chỉnh thành nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà giáo. Đối với một số trách nhiệm của nhà giáo, cần bổ sung nội dung có sự phối hợp của phụ huynh và người học.
Vì vậy, tại khoản 2 Điều 11 quy định về những việc nhà giáo không được làm, đại biểu cho rằng, cần bổ sung một nội dung là nhà giáo không được truyền đạt những kiến thức mà mình không hiểu rõ.
"Để thầy cô không vi phạm lỗi này, cũng cần bổ sung vào điểm a, khoản 2, Điều 8 quy định về quyền của nhà giáo là được từ tối giảng dạy những nội dung chưa được giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng theo quy định", đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
Đối với việc học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói: "Nếu nhà giáo nói rằng mình đã giảng dạy rất nhiều lần mà các em không hiểu hay giáo viên ra đề kiểm tra mà phần đông các em bị điểm thấp thì vấn đề là nằm ở giáo viên".
Theo đại biểu, cùng một chương trình học, cùng một giáo viên trên lớp thì mức độ tiếp thu của các học sinh là khác nhau, thầy cô có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm đạt tiêu chuẩn (thường là 80%), nhóm vượt trội (90%), nhóm không theo kịp bạn bè là 10%.
Việc yêu cầu nhóm yếu học thêm để theo kịp các bạn là cần thiết, nhóm bình thường học thêm để giỏi hơn và vào các trường tốt hơn cũng không hạn chế.
Hay nhóm vượt trội học thêm để đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi thì việc học thêm là khuyến khích.
"Theo tôi, chỉ việc học thêm với mục đích có điểm không đúng với năng lực thực sự do người dạy thêm không khách quan mới là điều cần chấm dứt", đại biểu nêu và đề xuất cần xây dựng một ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi của từng chủ đề ở các môn học có nhiều độ khó khác nhau.
Cũng theo đại biểu, nếu cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô của mình dạy chính học sinh của mình thì các bài kiểm tra ở đó phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi với đầy đủ các độ khó trước khi làm bài kiểm tra, phản ánh đúng năng lực học sinh, đảm bảo công bằng cho tất cả các em.
Hoàng Thị Bích