Chiều 25-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Nêu ý kiến tại hội trường về quảng cáo trên mạng, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết thị phần quảng cáo tại Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok...
Theo báo cáo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) năm 2023, các nền tảng này chiếm hơn 75% doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí truyền thống chỉ chiếm dưới 10%. Các nền tảng này thường không đăng ký hoạt động đầy đủ tại Việt Nam hoặc chỉ đăng ký một phần, dẫn đến việc không thể quản lý thuế hiệu quả.
Năm 2023, Việt Nam thất thu hơn 1.000 tỉ đồng từ quảng cáo trực tuyến, gây áp lực lên nguồn thu ngân sách quốc gia.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: QH
Từ thực tế đó, ĐB Thạch Phước Bình đề xuất cần bổ sung quy định áp dụng các biện pháp mạnh để quản lý nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam và nộp thuế theo quy định.
Đồng thời áp dụng cơ chế phối hợp quốc tế trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Đưa ra chính sách ưu đãi về thuế hoặc hỗ trợ tài chính để giúp các cơ quan báo chí tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo. Phát triển các chương trình truyền thông quốc gia để quảng bá dịch vụ quảng cáo nội địa, tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong nước.
Về việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên mạng, ĐB cho hay thực tiễn cho thấy, nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp.
“Cục An toàn thông tin ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 2023. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến”- ĐB đoàn Trà Vinh cho hay.
Để ngăn chặn thực trạng trên, ĐB Bình đề xuất cần quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo.
Đồng thời cần nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được, tương đương với các tiêu chuẩn tại EU hoặc Mỹ; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe.
Cũng nêu ý kiến về quảng cáo trên mạng, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay hiện nay có những hình ảnh, sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, ĐB đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo.
“Thuốc, thực phẩm chức năng, dược phẩm kém chất lượng cũng đem ra quảng cáo, mà người quảng cáo đó rất có uy tín như MC hay nghệ sĩ nổi danh… Tôi đề nghị phân định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo”- ĐB đề nghị.
NHÓM PHÓNG VIÊN