ĐBQH đề xuất thí điểm hệ thống xe bus riêng cho học sinh tại Hà Nội, TP HCM

ĐBQH đề xuất thí điểm hệ thống xe bus riêng cho học sinh tại Hà Nội, TP HCM
3 giờ trướcBài gốc
Trước thực trạng ùn tắc giao thông xuất hiện tại các cổng trường học, trong đó có trường phổ thông giờ cao điểm xảy ra gây bức xúc cho người dân, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, Chính phủ nên giao các cơ quan chức năng có nghiên cứu, đánh giá để sớm có chính sách đầu tư áp dụng hệ thống xe bus đưa đón học sinh có hỗ trợ từ NSNN, trước mắt thí điểm áp dụng ở Hà Nội và TP HCM.
Theo đại biểu, hiện rất nhiều quốc gia trên thế giới đang vận hành hệ thống xe bus riêng cho đối tượng học sinh phổ thông. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống xe bus và quá trình vận hành đã giúp giảm thiểu các rủi ro đối với người tham gia, đồng thời tăng hiệu suất, hiệu quả vận chuyển, như: lắp đặt các thiết bị định vị xe; áp dụng hệ thống tối ưu hóa lộ trình di chuyển và điểm đón; sử dụng hệ thống camera thông minh bao gồm tính năng xác định người còn sót ở trên xe (nếu có); …
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.
Tại Việt Nam, hệ thống xe đưa đón học sinh đã được áp dụng tại một số thành phố lớn, tuy nhiên chỉ mới áp dụng ở một số cơ sở giáo dục tư thục. Hệ thống xe đưa đón này đã phần nào đáp ứng nhu cầu của một bộ phận rất nhỏ người dân; tuy nhiên chi phí cho dịch vụ này tương đối cao, chưa phù hợp với khả năng chi trả của đa số hộ dân.
"Nếu mô hình xe bus đưa đón học sinh được áp dụng, với sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, thiết nghĩ hiệu quả sẽ tác động rõ rệt đối với tình hình KT-XH hiện nay tại Việt Nam, cụ thể: hiện tượng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là trước các cổng trường học sẽ được cải thiện đáng; người lao động là phụ huynh của học sinh đang ở tuổi đi học sẽ giảm được gánh nặng về việc đưa đón con; an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh sẽ được bảo đảm...", ĐBQH Vương Quốc Khánh nói.
Ông Vương Quốc Thắng cũng cho rằng, hệ thống xe bus dành riêng cho học sinh sẽ được ưu tiên thiết kế, đầu tư riêng; trước mắt cần chú ý một số vấn đề, gồm:
Thứ nhất, đánh giá, lựa chọn loại phương tiện phù hợp với khả năng di chuyển ở các tuyến phố nhằm tối ưu việc tiếp cận các điểm đón. Có thể sử dụng loại xe điện thiết kế riêng cho loại xe 29 chỗ hoặc 16 chỗ vừa đảm bảo giảm ùn tắc giao thông, vừa đảm bảo xanh hóa môi trường đô thị.
Thứ hai, đầu tư áp dụng hệ thống camera giám sát và các thiết bị bảo đảm an toàn cho người tham gia; bảo đảm phụ huynh có thể theo dõi lộ trình di chuyển của phương tiện (tương tự mô hình Grab, Bee, Xanh SM..);
Thứ ba, đầu tư nghiên cứu, áp dụng hệ thống công nghệ thông minh (sử dụng AI) để tối ưu hóa điểm đón và lộ trình di chuyển trên cơ sở vị trí của các trường học và nhu cầu đăng ký tham gia của học sinh trong độ tuổi đáp ứng yêu cầu;
Thứ tư, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm việc vận hành hệ thống xe bus cho học sinh; xây dựng các chính sách cho đối tượng tham gia; đánh giá tác động đối với việc áp dụng hệ thống bus cho học sinh;
Thứ năm, tổ chức các hoạt động truyền thông; nghiên cứu việc tổ chức lấy ý kiến của các trường học và phụ huynh học sinh.
Lê Bảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/dbqh-de-xuat-thi-diem-he-thong-xe-bus-rieng-cho-hoc-sinh-tai-ha-noi-tp-hcm-169241026104952178.htm