ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Đề nghị xem xét, cân nhắc không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa

ĐBQH Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Đề nghị xem xét, cân nhắc không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa
15 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật.
Góp ý đối với quy định về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là “Điều hòa nhiệt độ công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU” tại điểm h khoản 1 Điều 2, đại biểu cho rằng dự thảo Luật lần này có tiếp thu, chỉnh lý so với dự thảo trình tại kỳ họp 8 là chỉ áp dụng đối với loại điều hòa có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU.
Nhưng trên thực tế đời sống người dân hiện nay, thì máy điều hòa nhiệt độ trở nên hết sức phổ biến, thông dụng, không phải là mặt hàng xa xỉ; mặt khác, bản chất của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt là dùng để điều chỉnh, định hướng lại việc sản xuất và hành vi của người tiêu dùng, theo đó thuế được áp cho các loại hàng hóa, dịch vụ mang tính xa xỉ, không thiết yếu hoặc gây hại cho sức khỏe, môi trường để giảm thiểu tác hại của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Hơn nữa, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khó có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa.
Đối với quy định về đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là “Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml” tại điểm l khoản 1 Điều 2, theo đại biểu, quy định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất nước giải khát trong nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa sẽ phải chịu gánh nặng tăng thêm chi phí; khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu sẽ khó khăn; giá thành sản phẩm tăng khiến cho tiêu dùng sẽ giảm, ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động; hơn nữa còn ảnh hưởng tới người nông dân vì ngành nước giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: mía đường, trái cây, cà phê...
Việc giải trình lý do đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chủ yếu là do nguyên nhân chính dẫn đến béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Nhưng trên thực tế có nhiều thứ có thể có đường cao hơn nước giải khát thì tại sao chưa đưa đánh thuế. Đại biểu lấy ví dụ như bánh kẹo, sữa có đường, mật mía...
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có những cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa những tác động, ảnh hưởng từ việc áp thuế để có những biện pháp thực hiện hoặc lộ trình thực hiện phù hợp, tại thời điểm hiện nay đại biểu đề nghị nên chưa xem xét đánh thuế đối với nước giải khát.
Đối với các quy định tại Điều 8 về: Thuế suất và mức thuế tuyệt đối, đại biểu cơ bản thống nhất với cách xác định, phân loại cụ thể trong các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế để có thể xây dựng các mức thuế suất và mức thuế tuyệt đối thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 8. Qua nghiên cứu đại biểu nhận thấy: mặc dù dự thảo trình tại kỳ họp này đã có những tiếp thu, chỉnh lý hợp lý hơn so với dự thảo trình tại kỳ họp 8 cả về mức thuế suất và cả về lộ trình thực hiện.
Tuy nhiên, đánh giá tổng quát thì về cơ bản Biểu thuế vẫn đang được xây dựng chủ yếu dựa trên những báo cáo đánh giá tác động, bối cảnh tình hình từ trước kỳ họp thứ 8. Tình hình trong nước và quốc tế hiện nay đã rất khác biệt so với trước đó. Diễn biến những cuộc đối đầu, cạnh tranh thương mại hết sức khốc liệt mà trực tiếp là việc áp thuế xuất nhập khẩu lẫn nhau giữa các nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm các nước bị Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng cao nhất với 46%. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những hành động, quyết sách mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả và cũng thuộc một trong nhóm những nước đầu tiên trên thế giới có phản ứng sớm nhất, tích cực nhất, thiện chí nhất để ứng phó với tình hình. Kết quả là chúng ta đã nhận về nhiều tín hiệu khả quan, có thêm thời gian để ứng phó, thích ứng với tình hình từ việc lùi thời gian áp thuế đối ứng của Hoa kỳ trong 90 ngày.
Với diễn biến nêu trên sẽ tác động không nhỏ tới sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, vì vậy, chúng ta cần phải tính toán, để có các chính sách thuế phù hợp hơn với tình hình mới.
Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cân nhắc xem xét đánh giá lại một cách kỹ lưỡng, toàn diện hơn nữa để có những mức thuế suất và lộ trình thực hiện hợp lý hơn trong tình hình hiện nay, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội của đất nước một cách bền vững.
Quốc Hương
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/dbqh-mai-van-hai-doan-dbqh-tinh-thanh-hoa-de-nghi-xem-xet-can-nhac-khong-nen-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-may-dieu-hoa-248166.htm