Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Việc làm (sửa đổi) sáng ngày 27/11. (Ảnh: media.quochoi.vn)
Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho biết khu vực lao động phi chính thức là một phần không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Báo cáo lao động việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê, khoảng 57% lực lượng lao động cả nước hoạt động trong khu vực phi chính thức. Lao động ở khu vực này chủ yếu làm việc trong: (i) Hộ kinh doanh cá thể (buôn bán nhỏ, dịch vụ). (ii) Các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, không có đăng ký kinh doanh. (iii) Công việc thời vụ hoặc không có hợp đồng lao động. Đa số lao động không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thất nghiệp.
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động phi chính thức thường có thu nhập thấp hơn từ 30-50% so với lao động chính thức ở cùng ngành nghề. Mặt khác, việc thiếu cơ chế giám sát khiến Nhà nước thất thu ngân sách và khó khăn trong hoạch định chính sách lao động, việc làm.
ĐBQH Thạch Phước Bình - Trà Vinh thảo luận ở hội trường về Luật Việc làm (sửa đổi) sáng ngày 27/11/2024. (Ảnh: media.quochoi.vn)
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình, việc chính thức hóa lao động khu vực phi chính thức sẽ góp phần đảm bảo tiếp cận các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế và các quyền lợi lao động cơ bản. Tăng cường sự bình đẳng trong cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Chính thức hóa lao động giúp minh bạch hóa dữ liệu lao động và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Khi lao động phi chính thức được nâng cấp lên chính thức, năng suất lao động tăng, đóng góp nhiều hơn vào GDP. Nhà nước gia tăng nguồn thu từ thuế và giảm gánh nặng phúc lợi xã hội. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung 06 nội dung vào Luật Việc làm (sửa đổi) cụ thể như sau:
Một là, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ chính thức hóa lao động phi chính thức. Theo đó, cần bổ sung định nghĩa về lao động phi chính thức và các tiêu chí xác định khu vực phi chính thức. Giảm chi phí đăng ký kinh doanh và miễn thuế trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tương tự mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Thái Lan, chương trình của Việt Nam có thể áp dụng miễn thuế 02 đến 03 năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp chính thức.
Hai là, phát triển chính sách an sinh xã hội linh hoạt. Theo đó, cần xây dựng bảo hiểm xã hội tự nguyện mở rộng, cho phép đóng theo mức thu nhập linh hoạt, phù hợp với lao động có thu nhập thấp và không ổn định. Triển khai gói hỗ trợ bảo hiểm y tế miễn phí trong 02 đến 03 năm đầu để khuyến khích lao động phi chính thức tham gia. Chính phủ Indonesia đã áp dụng chương trình Jaminan Kesehatan Nasional (JKN), cung cấp bảo hiểm y tế cho hàng triệu lao động phi chính thức và đạt hiệu quả cao.
Ba là, hỗ trợ đào tạo và nâng cao kỹ năng lao động. Theo đó, cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn miễn phí hoặc hỗ trợ chi phí cho lao động phi chính thức. Đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp thông qua mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, các chương trình đào tạo nghề miễn phí cho lao động phi chính thức đã giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi lao động chính thức lên hơn 25% chỉ sau 2 năm thực hiện.
Bốn là, tăng cường phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Theo đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu lao động phi chính thức, bao gồm các thông tin về ngành nghề, mức thu nhập và điều kiện làm việc. Phát triển nền tảng giao dịch việc làm điện tử giúp kết nối lao động phi chính thức với doanh nghiệp.
Năm là, cải tổ hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công. Theo đó, cần tập trung cải thiện chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động phi chính thức. Thành lập các trung tâm hỗ trợ riêng cho hộ kinh doanh cá thể và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Sáu là, bổ sung quy định các chính sách hỗ trợ cụ thể trong trường hợp khủng hoảng kinh tế - xã hội. Theo đó, Chính phủ cần bổ sung quy định hỗ trợ lao động phi chính thức trong các trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai hoặc suy thoái kinh tế. Chẳng hạn, trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã hỗ trợ tài chính trực tiếp cho hơn 13 triệu lao động phi chính thức thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Báo Trà Vinh Online