Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Ngày 26/11, tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 26 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Phát biểu tại phiên thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh cho rằng giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quốc hội và Đoàn ĐBQH.
Thực tiễn hoạt động cho thấy, công tác này là kênh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân vào cơ quan dân cử. Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình bày tỏ sự đồng tình với các kết quả đạt được về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ĐBQH Thạch Phước Bình, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn tồn tại không ít bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả và niềm tin của người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, quy trình phối hợp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ xử lý. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ có tới 17% vụ việc kéo dài hơn 6 tháng mà không có kết quả. Một số cơ quan chưa thực sự coi trọng các văn bản giám sát, kiến nghị của các Đoàn ĐBQH, dẫn đến tình trạng giải quyết thiếu dứt điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH chủ yếu thực hiện vai trò chuyển đơn thư và giám sát, không có thẩm quyền trực tiếp xử lý. Điều này gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi của cử tri và công dân. Báo cáo từ Ban Dân nguyện cho thấy khoảng 30% đơn thư sau khi chuyển tiếp chưa được giải quyết hoặc trả lời không đúng hạn, làm giảm hiệu quả xử lý.
Thứ ba, số lượng buổi tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội còn hạn chế, đặc biệt tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, có đến 60% khiếu nại từ người dân ở khu vực nông thôn và miền núi liên quan đến đất đai, nhưng tỷ lệ tiếp dân trực tiếp tại đây chỉ đạt 35%. Một số vụ việc phức tạp chưa được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài.
Thứ tư, quy trình chuyển đơn qua nhiều cấp và cơ quan khác nhau làm kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc trong dư luận. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 25% đơn thư khiếu nại chuyển tiếp qua nhiều cơ quan nhưng không được giải quyết dứt điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội.
Thứ năm, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được công khai đầy đủ, gây khó khăn cho người dân trong việc theo dõi tiến độ và đánh giá chất lượng xử lý. Nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng kết quả không được thông báo rõ ràng, tạo cảm giác thiếu trách nhiệm trong cử tri.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất 05 biện pháp, giải pháp cụ thể sau:
Một là, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát khiếu nại, tố cáo. Xây dựng quy trình chuẩn trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đảm bảo trách nhiệm và thời hạn cụ thể cho từng cơ quan.
ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên thảo luận các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm... sáng ngày 26/11. Ảnh: media.quochoi.vn
Hai là, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo để tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH, đặc biệt trong các vụ việc phức tạp. Quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát.
Xem xét bổ sung vào Điều 30 về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Điều 31 về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội theo Nghị quyết số 334 nội dung: “Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ quốc hội tổ chức giám sát công tác tiếp công dân, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri”. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, thống nhất thành lập Phòng Thông tin - Dân nguyện tại tất cả các Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 1004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm thống nhất công tác này tại Đoàn ĐBQH các địa phương trong cả nước.
Ba là, tăng cường tần suất và mở rộng địa điểm tiếp công dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý và theo dõi lịch tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri.
Bốn là, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo tập trung, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan để giám sát toàn bộ quy trình xử lý từ tiếp nhận đến giải quyết. Quy định rõ giới hạn số cấp được phép chuyển đơn, tối đa không quá hai cấp để đảm bảo hiệu quả xử lý.
Năm là, công khai thông tin về tiến độ và kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo trên cổng thông tin điện tử Quốc hội, tạo điều kiện để người dân theo dõi. Định kỳ tổ chức các buổi đối thoại công khai với cử tri về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc lớn hoặc kéo dài.
Báo Trà Vinh Online