Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Ảnh: media.quochoi.vn)
Tại phiên thảo luận có 20 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 07 lượt đại biểu phát biểu tranh luận, trong đó, hầu hết các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Đồng thời, cơ bản tán thành phương án thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp theo thủ tục rút gọn.
Nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh góp ý 04 vấn đề. Cụ thể:
Thứ nhất, về tăng cường vai trò quản lý giám định BHYT của Bộ Y tế. Hiện nay, theo khoản 6 Điều 2 Luật BHYT, công tác giám định BHYT là hoạt động chuyên môn nhằm đánh giá sự hợp lý của dịch vụ y tế do tổ chức BHYT tiến hành. Tuy nhiên, thiếu các quy định cụ thể về quy trình, tiêu chí giám định đã dẫn đến bất cập, gây áp lực cho các bệnh viện và khiến tình trạng trễ hạn thanh quyết toán chi phí xảy ra phổ biến.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (năm 2023), có tới 30% cơ sở khám, chữa bệnh gặp tình trạng chậm thanh toán vì thiếu rõ ràng trong quy định về giám định. Để giải quyết vấn đề này, đề xuất bổ sung quy định trong Luật BHYT, yêu cầu Bộ Y tế ban hành các tiêu chí và hướng dẫn chi tiết về giám định y tế, giúp thống nhất quy trình đánh giá và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan BHXH với ngành y tế. Quy định này không chỉ đảm bảo tính minh bạch, nhất quán mà còn tránh gây chậm trễ trong việc thanh toán chi phí cho cơ sở y tế và người bệnh.
ĐBQH Thạch Phước Bình. (Ảnh: media.quochoi.vn)
Thứ hai, về đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc và vật tư y tế cho người bệnh. Trong tình hình hiện tại, tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế khiến nhiều bệnh nhân BHYT phải tự mua, ảnh hưởng đến quyền lợi và tài chính cá nhân.
Cụ thể, báo cáo của Bộ Y tế (năm 2022) cho thấy có tới 40% bệnh nhân phải chi trả thuốc và vật tư ngoài danh mục tại bệnh viện tuyến huyện. Đề xuất bổ sung vào Điều 43 Luật BHYT quy định rằng: “Cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đảm bảo đầy đủ thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người bệnh BHYT”. Đồng thời, nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện. Quy định này giúp người bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết và rút ngắn thời gian xử lý chi phí. Đặc biệt, theo số liệu của BHXH Việt Nam năm 2023 cho thấy có tới 60% bệnh nhân thuộc khu vực nông thôn gặp khó khăn trong quá trình yêu cầu bồi hoàn chi phí từ BHXH do khoảng cách xa và thủ tục kéo dài.
Thứ ba, về cơ chế phân bổ và tạm ứng Quỹ BHYT hợp lý hơn. Với chính sách "thông tuyến" giúp người dân tiếp cận dễ dàng dịch vụ y tế, cần điều chỉnh tỷ lệ tạm ứng cho các cơ sở y tế nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh. Theo thống kê, các bệnh viện tuyến tỉnh có nhu cầu cao về vốn lưu động, đặc biệt là sau khi mở rộng chính sách thông tuyến. Đề xuất tăng tỷ lệ tạm ứng từ 80% lên 90% chi phí khám chữa bệnh BHYT là phù hợp. Tuy nhiên cần chuyển quy định tạm ứng 90% chi phí khám, chữa bệnh BHYT hàng quý thành hàng tháng nhằm giúp cơ sở y tế đảm bảo hoạt động ổn định.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định cho phép sử dụng quỹ kết dư từ các năm trước để hỗ trợ tài chính khi quỹ trong năm gặp khó khăn. Việc tăng nguồn lực này cũng sẽ giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế cho hơn 89 triệu người tham gia BHYT trên cả nước theo số liệu của BHXH Việt Nam năm 2023.
Thứ tư, về mở rộng đối tượng được ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy việc NSNN đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT là cần thiết để mở rộng bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt với nhóm dân cư có thu nhập thấp và khu vực phi chính thức. Từ đó, ngoài các đối tượng đã được quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, ngày 19/10/2023 của Chính phủ, ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất bổ sung 03 nhóm đối tượng sau để NSNN hỗ trợ bao gồm:
Một là, người cao tuổi từ đủ 60 đến dưới 80 tuổi (và từ đủ 60 tuổi đến dưới 75 theo quy định tại Luật BHXH năm 2024): hiện nay, toàn quốc có khoảng 17 triệu người, trong đó có khoảng 14,6 triệu người đã tham gia BHYT thuộc các nhóm đối tượng theo quy định của Luật BHYT. Như vậy, còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi trong nhóm tuổi này chưa tham gia BHYT, nhiều người trong số này có thu nhập thấp và cần hỗ trợ y tế. Việc hỗ trợ từ NSNN cho nhóm này sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho họ và đảm bảo an sinh xã hội.
Hai là, người thoát nghèo: hàng năm, có khoảng 300.000 người thoát nghèo, trong đó có khoảng 150.000 người vẫn còn gặp khó khăn trong tài chính. Việc đề xuất NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT ít nhất từ 50 - 70% cho họ trong 03 - 05 năm đầu sau khi thoát nghèo là hết sức phù hợp, nhằm tránh tái nghèo do chi phí y tế cao.
Ba là, người đạt danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: thực tế cho thấy, hiện cả nước có khoảng 2.500 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú, họ thường gặp khó khăn trong việc duy trì thu nhập ổn định và chi phí y tế cao khi tuổi già, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ BHYT từ NSNN sẽ giúp duy trì sức khỏe cho lực lượng văn hóa nghệ thuật của đất nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của các di sản văn hóa phi vật thể.
Báo Trà Vinh Online