Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh tham gia 02 nội dung sau:
Thứ nhất, về áp dụng mức thuế 15% và 17% đối với DN nhỏ, siêu nhỏ
Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) bổ sung mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% áp dụng cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, thuế suất 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 03 tỷ đồng. Thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ trên 03 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
ĐBQH Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách này là một bước đi tích cực nhằm hỗ trợ nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, góp phần giảm gánh nặng thuế giúp các DN này cải thiện dòng tiền, duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt ở những khu vực nông thôn hoặc vùng khó khăn. Mức thuế thấp hơn giúp DN nhỏ có thể cạnh tranh với các DN lớn hoặc DN nước ngoài có quy mô lớn. Nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn tổng số DN tại Việt Nam và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết việc làm. Việc áp dụng thuế suất ưu đãi có thể thúc đẩy sự phát triển của nhóm này.
ĐBQH Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội trường về Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) sáng ngày 28/11. (Ảnh: media.quochoi.vn)
Tuy nhiên, theo ĐBQH Thạch Phước Bình, việc áp dụng mức thuế này cũng còn tồn tại một số bất cập như: Một là, ngưỡng 03 tỷ đồng cho thuế suất 15% là quá thấp so với thực tế kinh doanh của nhiều DN siêu nhỏ, đặc biệt ở các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại hoặc các ngành có chi phí cao. Điều này hạn chế số lượng DN đủ điều kiện. Khoảng cách giữa ngưỡng doanh thu 03 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa hai nhóm nhưng chỉ chênh lệch 2% thuế suất, tạo cảm giác bất bình đẳng. Hai là, dự thảo Luật chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu, trong khi các yếu tố khác như số lao động và tổng tài sản cũng cần được xem xét để phân loại doanh nghiệp. Ba là, DN có thể chia nhỏ doanh thu hoặc thành lập nhiều công ty con để được hưởng thuế suất thấp hơn. Điều này làm giảm hiệu quả quản lý thuế và gây thất thu ngân sách. Bốn là, việc áp dụng mức thuế thấp hơn có thể gây giảm thu ngân sách, đặc biệt khi nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế. Năm là, các DN trong ngưỡng doanh thu gần 3 tỷ đồng hoặc 50 tỷ đồng có thể tránh tăng trưởng để không phải chịu thuế suất cao hơn, kìm hãm sự phát triển dài hạn.
Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình đề xuất điều chỉnh 05 nội dung của dự thảo Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) như sau: Một là, tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 15% từ 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng để phù hợp hơn với thực tế hoạt động của DN siêu nhỏ. Tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 17% từ 50 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng để bao quát thêm các DN nhỏ có tiềm năng phát triển. Hai là,Sử dụng thêm các tiêu chí như số lao động, vốn đăng ký hoặc tổng tài sản để phân loại DN thay vì chỉ dựa vào doanh thu. Ba là, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh tình trạng DN chia tách hoặc chuyển giá nhằm lách luật. Có thể kết hợp thanh tra, giám sát từ cơ quan thuế. Bốn là,áp dụng lộ trình tăng dần mức thuế suất khi DN vượt ngưỡng doanh thu, chẳng hạn, từ 15% lên 16% hoặc từ 17% lên 18%, thay vì tăng đột ngột lên 20%. Điều này tránh tạo áp lực lớn khi DN mở rộng quy mô. Năm là, áp dụng mức thuế ưu đãi riêng (thấp hơn 15% hoặc 17%) cho các DN nhỏ trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, hoặc năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.
Thứ hai, về mức thuế thu nhập DN đối với cơ quan báo chí
Về nội dung này, ĐBQH Thạch Phước Bình nêu thực tế hiện nay, phần lớn cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và giáo dục, thay vì mục tiêu kinh doanh. Việc áp dụng mức thuế thu nhập DN phổ thông (20%) cho các khoản thu nhập ngoài nhiệm vụ chính (quảng cáo, tổ chức sự kiện) tạo áp lực lớn lên tài chính của họ. Các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập DN nhưng báo chí lại chưa được áp dụng cơ chế hỗ trợ tương tự, dù có vai trò quan trọng trong xã hội.
Mặt khác, theo ĐBQH Thạch Phước Bình, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng số (Google, Facebook), nguồn thu từ quảng cáo của báo chí ngày càng giảm, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Các khoản thu nhập không ổn định (như tài trợ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ) vẫn bị tính thuế thu nhập DN mà không xét đến tính đặc thù, làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí. Cùng với đó, hiện tại, luật thuế chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như DN thông thường mà không xét đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị và xã hội. Một số cơ quan báo chí có thể hưởng ưu đãi nhờ các quy định khác (như về khu vực địa lý hoặc lĩnh vực khuyến khích), nhưng điều này không nhất quán và thiếu minh bạch.
Từ đó, ĐBQH Thạch Phước Bình kiến nghị, đề xuất 07 nội dung nhằm sửa đổi mức thuế thu nhập DN đối với cơ quan báo chí như sau: Một là, đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (hoặc thấp hơn) đối với phần thu nhập chịu thuế từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị (như quảng cáo, sự kiện). Hai là, miễn thuế thu nhập DN đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ chính trị và truyền thông. Ba là, tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị (được miễn thuế) và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh (hưởng ưu đãi thuế suất thấp). Bốn là, có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp hoặc rất thấp. Năm là, xây dựng cơ chế kê khai thuế đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi. Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ trong kê khai và quyết toán thuế để giảm gánh nặng hành chính cho các cơ quan báo chí. Bảy là, hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp khác như: thành lập quỹ hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn xã hội hóa để tài trợ một phần hoạt động của các cơ quan báo chí. Xây dựng cơ chế thu thuế từ các nền tảng số (như Google, Facebook) và sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cơ quan báo chí trong nước.
Báo Trà Vinh Online